Con ruồi nhà - phàm ăn, gây bẩn

  •   3,37
  • 26.252

Sự hiện diện của ruồi là dấu hiệu của điều kiện sống và sinh hoạt thiếu vệ sinh, vì nó mang theo nhiều chất bẩn, mầm bệnh. Từ thế kỷ 16, người ta đã nghĩ ruồi truyền bệnh. Đến thế kỷ 19, người ta đã chứng minh được điều đó bằng các thí nghiệm và từ đó bảng thống kê các bệnh do ruồi truyền đi mỗi lúc mỗi dài thêm.

Ruồi thuộc hệ côn trùng có 6 chân. Ngón cuối của mỗi chân mang một cặp vuốt và hai mảnh tuyến có thể tiết một chất dính giúp ruồi đi đứng vững vàng trên các mặt phẳng trơn và thẳng đứng. Trên đầu ruồi có 2 mắt nhưng đó là mắt kép có khoảng 4.000 mắt đơn và trên đỉnh đầu còn có 3 mắt đơn nữa. Ruồi có một đôi cánh, bờ cánh dày thành gờ cứng cho nên bay rất khỏe. Ruồi thích ánh sáng, sợ tối, thích nơi ấm áp, sợ rét buốt.

Điển hình về phàm ăn và ăn bẩn

Ruồi rất thích chỗ xú uế, nó tìm được nơi tanh thối... vì đánh hơi rất tài. Ruồi cái và ruồi đực đều ăn tất cả các thức ăn, rác rưởi, chất thải của con người kể cả mồ hôi và phân của các loại động vật. "Miệng" ruồi gồm vòi, khi không dùng đến thì xếp dưới đầu. Khi cần ăn thì nhờ sức ép của máu và tác dụng của cơ mà duỗi vòi ra để ăn. Gốc của vòi chia thành hai thùy. Mặt dưới của thùy lõm vào thành nhiều ống dẫn song song gọi là khí quản giả. Gọi là "ăn", nhưng ruồi chỉ hút được chất lỏng. Khi ruồi đậu trên thức ăn, vòi duỗi ra và các thùy được áp trên bề mặt thức ăn. Nước bọt ruồi (chứa nhiều enzym giúp nó ăn được nhiều loại thức ăn) từ các tuyến nước bọt chảy theo các ống khí quản giả xuống tiêu hóa và làm lỏng thức ăn và ruồi hút lấy thức ăn ấy. Đôi khi ruồi còn nôn phần thức ăn đã tiêu hóa dở ra ngoài thành một giọt lớn dính ở đầu hai thùy của vòi và có thể bị ruồi bỏ lại trên chỗ đậu, thành các vết bẩn ta vẫn thấy trên cửa kính.

Ruồi rất phàm ăn, ăn vào, nôn ra; khi ăn lại hay vẩy chân, ve cánh làm bẩn thức ăn ghê gớm. Một ngày nó có thể ăn tới 50 bữa. Tuy nhiên, nó "phá" thức ăn của chúng ta không phải vì tổn thất số lượng mà chính vì chất lượng bị nhiễm bẩn nghiêm trọng.

(Ảnh: Flickr)


Một kỷ lục ghê gớm về sinh đẻ

Ruồi cái là loài mắn đẻ và chỉ thích đẻ nơi bẩn. Nó thường đẻ trứng nơi có chất hữu cơ thối rữa, lên men hoặc mục nát có nguồn gốc động vật và thực vật như hố xí, chuồng lợn, bãi rác, xác súc vật chết... Cách sinh trưởng của ruồi cũng rất đặc biệt, phải trải qua 4 giai đoạn: trứng - dòi - nhộng - ruồi trưởng thành. Chỉ với mấy tháng hè mà ruồi đẻ tới 6 lứa trứng (120-150 trứng/mỗi lứa) và hơn nữa. Trứng là những khối trắng hình bầu dục dài khoảng 1mm; tùy nhiệt độ, trứng có thể nở sau 8-24 giờ. Tuy nhiên, hiện tượng lên men do vi khuẩn trong đống phân thường tạo nhiệt độ cao nên sự phát triển của trứng thường nhanh chóng. Vỏ trứng rách ra và thế là một dòi con ra đời. Dòi lớn dần sống nhờ trên chất hữu cơ, sau 5 ngày dài khoảng 1,5cm và lột xác 2 lần, chui xuống lớp đất xốp thành nhộng sẫm màu, cứng lại như điếu xì gà. Sau 3 ngày thì nhộng biến thành trùng chui lên mặt đất và thành ruồi bay đi. Con ruồi ấu thơ đó chỉ sau 10-14 ngày là có thể giao phối đẻ trứng. Trong một vụ hè, từ 1 con ruồi cái có thể sinh sôi nảy nở thành hàng triệu con, cháu, chắt...

"Tuổi thọ" của ruồi khoảng 3-4 tuần. Đa số ruồi chết trong những tháng khi trở rét, nhưng một số qua được mùa đông nhờ chui vào ẩn trong các khe tường, chuyển sang trạng thái tiềm sinh và sử dụng thức ăn dự trữ trong cơ thể. Khi thời tiết trở lại ấm áp, ruồi sẽ chui ra kiếm ăn và lặp lại vòng đời bằng cách đẻ trứng.

Dòi (Ảnh: impehcm.org.vn)


Là phương tiện vận chuyển ôn dịch

Người ta đã thí nghiệm chấm một dấu sơn trên bụng ruồi khi nó mới chui dưới đất lên và thấy ruồi có thể bay xa nơi ở cũ chừng 1.600m. Nếu lại có chỗ đậu là các phương tiện giao thông thì ruồi còn di chuyển rất xa.

Về vận chuyển theo đường không có thể ví ruồi như chiếc máy bay vận tải siêu nặng. Do mình, chân, cánh có nhiều lông, là chỗ bám rất tốt cho vi sinh vật. Vi sinh vật còn qua được hệ tiêu hóa của ruồi mà không chết, và theo phân ruồi làm ô nhiễm thức ăn, nước uống. Người ta đã tính toán một con ruồi có thể mang tới 28 vạn vi khuẩn và nhiều trứng giun, sán...

Sự hiện diện của ruồi là dấu hiệu của điều kiện sống và sinh hoạt thiếu vệ sinh, vì nó mang theo nhiều chất bẩn, mầm bệnh. Nguy hiểm nhất là khi ruồi đậu xuống để kiếm ăn trên phân của người mắc bệnh đường ruột như tả, thương hàn, hay bại liệt. Mầm của các bệnh đó có thể được ruồi mang đến thức ăn của người khác, làm cho người ăn thức ăn đó bị mắc bệnh. Ngoài các bệnh kể trên, ruồi còn truyền một số bệnh khác như lỵ amíp, lao, nhiễm trùng mắt, bệnh mắt hột, nấm...

Ruồi bu đầy thực phẩm là chuyện thường ngày ở chợ. (Ảnh: VNN)


Tội đáng tru di

Ruồi không những gieo rắc mầm bệnh, mà còn gây phiền hà rất lớn cho con người khi làm việc, ăn uống, cũng như khi nghỉ ngơi: nơi có nhiều ruồi là một bằng chứng không thể chối cãi về nếp sống mất vệ sinh.

Diệt ruồi: Đơn giản nhất là dùng vỉ đập ruồi. Bẫy ruồi bằng chai thủy tinh (đổ nước vào 2/3 chai và bôi đường mật vào bên trong miệng chai), hoặc bằng lưới có chất dẫn dụ, bẫy dính, bẫy đèn có điện giật... Nếu cần có thể dùng hóa chất như: đặt hộp bốc hơi hóa chất diệt vào nơi trú đậu của ruồi, hoặc mồi thu hút ruồi có bả để diệt. Dùng hóa chất diệt côn trùng (DDVP, dipterex...) phun tồn lưu và chỗ ruồi đậu nhiều.

Diệt trứng: Đó là cải thiện vệ sinh môi trường, triệt nơi sinh sản bằng cách lấp rác, chôn xác súc vật chết, vệ sinh hố tiêu, chuồng trại chăn nuôi... khiến cho ruồi mất những nơi để đẻ trứng.

Diệt dòi: Nếu ruồi đẻ trứng nở thành dòi, thì nhanh chóng tiêu diệt dòi. Dòi chỉ sống và phát triển được ở môi trường ẩm ướt có phân. Muốn diệt, phải làm môi trường sinh sống của dòi trở nên khô ráo. Có thể dùng vôi bột, đất bột khô, cát khô, than xỉ... đổ vào nơi có nhiều dòi làm cho nơi đó khô. Nếu không có điều kiện làm khô ráo, thì dùng lá xoan (vò nát lá ngâm vào nước 40-60 phút) đổ vào nơi có dòi.

Diệt nhộng: Nhộng ruồi chỉ phát triển được ở lớp đất xốp. Bở vậy cần đầm nén chặt đất xung quanh nhà tiêu, chuồng gia súc... hoặc láng vôi, xi măng, lát gạch.

BS. Vũ Hướng Văn (Theo Sức khỏe & Đời sống)
  • 3,37
  • 26.252