Đánh bắt vô tư 'báu vật' Tam Đảo

  •  
  • 2.645

Mặc dù cá cóc được xem là "báu vật" của Vườn Quốc gia Tam Đảo (có tên trong Sách đỏ Việt Nam), nhưng vẫn bị bán làm đồ lưu niệm cho khách tham quan ngay giữa vườn quốc gia này.

Quý gì chớ, mấy cái con vật bé tẹo này! Trẻ con ở đây toàn bắt lột da ăn chơi. Mà anh có mua không? Mang về Thủ đô nuôi trong bể kính, lạ lắm…". Tưởng nói chơi, không dè, ông chủ hàng ở chân núi Tây Thiên (vườn quốc gia Tam Đảo) mang ra một bao tải chừng vài ký. Mỗi con to bằng đầu ngón tay cái, dăm ba con chung lại mới được 1 lạng thịt. Nó có tên là loài cá cóc, người dân địa phương gọi là con sấu đá (vì hao hao con cá sấu thật).

Mấy năm trước, dân địa phương bày cá cóc bằng chậu bằng bị, bao gai... dọc đường, nghĩa là phơi ra giữa bàn dân thiên hạ bán một cách công khai. Kiểm lâm có đuổi thì cái sự ngang nhiên ấy được đưa vào "hoạt động bí mật". Ai có nhu cầu mua, bất kể số lượng, đều có thể đáp ứng. Rủi một điều, người ta chỉ mua vì lạ chứ không phải là thuốc bổ, là thức nhắm nhiều chất dinh dưỡng cho dân nhậu nên giá cả cũng 'bèo" lắm. Một người dân địa phương cho biết. "Ở đây, người đi bắt cá cóc nhiều, mà người bán cũng lắm. Ai bắt, ai bán chúng tôi biết chứ. Chỉ có kiểm lâm là không biết thôi!". Khu nhà kiểm lâm trước kia bây giờ đã bị bỏ hoang.

Trong danh mục thực vật, động vật rừng quý hiếm của nước ta, cá cóc là thành viên số 36. Điều đó ghi nhận sự quý hiếm cần bảo vệ của loài đặc hữu chỉ có ở Tam Đảo này.

Sách đỏ Việt Nam (trang 235) ghi rõ: Cá cóc có tên khoa học là Paramesotriton deloustali, thuộc họ cá cóc Salamandridae, Bộ Nhái ếch có đuôi Caudata. Cấp độ nguy cấp bậc E (sắp tuyệt chủng). Nó được ghi nhận là một trong năm loài cá cóc Việt Nam, theo chương trình hợp tác nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Việt Nam giữa Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật với Bảo tàng động vật Konic Bon (Đức).

Như vậy, hồ sơ bảo vệ về mặt pháp lý đối với loài đặc hữu quý hiếm mà phạm vi phân bố hết sức nhỏ hẹp đã được cả “ta” và “Tây” chuẩn bị hết sức chu đáo và đầy đủ. Nhưng, như thế không có nghĩa là chúng đã được an toàn.

Có một nhà khoa học đã lặn lội từ thủ đô lên Tây Thiên lấy mẫu cá cóc về nuôi thử nghiệm tại vườn thú Thủ Lệ, nhưng không thành công vì đó không phải là một trường thích nghi của cá cóc.

Lại có cả một dự án mang tên Dự án PARC đưa cá cóc vào danh sách 102 loài động vật cần được bảo vệ trong tổ hợp bảo tồn Ba Bể - Na Hang; đặc biệt nhấn mạnh giá trị khoa học của loài cá lưỡng cư sống ở vùng Tam Đảo này. Vậy mà trên thực tế thì chẳng ai ngăn cấm việc đánh bắt và mua bán công khai loài cá cóc.

Theo Thể thao và Văn hóa
  • 2.645