Mực nước biển được dự đoán tăng cao tại Thái Bình Dương trong tương lai sẽ gây ra những tổn thất nặng nề đối với môi trường sinh thái và đe dọa nghiêm trọng sự sinh tồn của rất nhiều loài động vật.
Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Áo và Mỹ được đăng tải trên tạp chí "Sinh học Biến đổi toàn cầu" (Global Change Biology) số ra ngày 9/4.
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Thú y Vienna (Áo) và trường Đại học Yale (Mỹ) được tiến hành dựa trên mô hình tính toán mức tăng mực nước biển tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Kết quả cho thấy vào cuối thế kỷ này, nước biển sẽ tăng thêm khoảng 1m và đến năm 2500 sẽ tăng thêm 5,5m. Các nhà khoa học cũng đồng thời khảo sát hơn 12.000 hòn đảo và 3.000 loài động vật có xương sống tại khu vực này.
Theo tính toán, nếu nước biển tăng thêm 1m thì sẽ có 1% diện tích đất hiện nay tại khu vực trên bị xâm thực, đồng nghĩa với 14,7% các đảo nhỏ chính sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn, đe dọa sự sống của nhiều loài sinh vật tại đây.
Tương tự, nếu nước biển tăng thêm tới 5,5m vào năm 2500 như dự đoán thì diện tích đất bị xâm thực sẽ lên khoảng 9,3%, đe dọa nghiêm trọng tới hầu hết các loài động vật, gồm các loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, và cả những cư dân trên các hòn đảo.
Giới chuyên gia nhấn mạnh kết quả nghiên cứu cũng đã phản ánh các nguy cơ đe dọa các loài động vật trên các đảo và khu vực ven biển trên toàn cầu nói chung khi mực nước biển tăng cao.