Bảo vệ tầng ôzôn – Những nỗ lực không mệt mỏi

  •  
  • 5.965

Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc từng bước hạn chế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ôzôn.

Năm 1995, hai nhà khoa học người Mỹ là Mario Molina và Sherwood Rowland, cùng với Paul Crutzen - nhà khoa học Hà Lan, đã đoạt giải Nobel Hóa học cho những công trình nghiên cứu của họ về CFCs đang ăn mòn tầng ôzôn.

Giáo sư Paul Crutzen chỉ ra khả năng các ôxít của nitơ từ phân bón và máy bay siêu âm có thể làm thâm thủng tầng ôzôn vào năm 1970. Phát hiện của nhà khoa học người Hà Lan là tiền đề cho những công trình nghiên cứu về những tác nhân gây hại cho tầng ôzôn được tiến hành trên khắp thế giới, những năm sau đó. Năm 1974, Frank Sherwood Rowland và Mario J. Molina nhận biết các CFC, giống như các khí khác, là chất xúc tác có hiệu quả cao khi phá vỡ các phân tử ôzôn. 

Lỗ thủng tầng ôzôn

Lỗ thủng tầng ôzôn được các nhà khoa học là Farman, Gardiner và Shanklin phát hiện lần đầu tiên năm 1987 ở Nam Cực đã làm chấn động dư luận toàn cầu, dấy lên những mối quan ngại sâu sắc về môi trường và sức khỏe con người. Đó cũng là lý do ra đời của Nghị định thư Montreal năm 1987, thể hiện quyết tâm toàn cầu trong việc bảo vệ tầng ôzôn. Năm 1994, Đại hội đồng Liên hiệp quốc tuyên bố lấy ngày 16-9 hàng năm là ngày quốc tế bảo vệ tầng ôzôn nhằm kỷ niệm ngày ký kết nghị định thư Montreal.

Theo Tổ chức khí tượng thế giới (WMO), hiện tầng ô-zôn vẫn đang tiếp tục bị thủng. Kích thước của lỗ hổng tầng ô-zôn năm nay trên Nam Cực có thể tương đương với hai lỗ hổng lớn ghi nhận trong năm 2000 và 2003. Hiện nay, lỗ hổng ô-zôn ở phía trên Nam Cực rộng chừng 27 triệu km2 và có thể tăng lên tới 28 triệu km2, gần bằng diện tích của lỗ hổng ô-zôn lớn nhất đo được vào năm 2003 (29 triệu km vuông).

Nghị định thư Montreal – “Phao cứu sinh” cho tầng ôzôn

Nghị định thư Montreal ra đời nhằm hạn chế và cuối cùng chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng và sản xuất các hợp chất các-bon của clo và flo (CFC - chlorofluorocacbons) cũng như các chất hóa học gây suy giảm tầng ôzôn khác như tetraclorit các-bon, các hợp chất của brôm (halon) và methylchloroform để bảo vệ tầng khí quyển có chức năng lọc ánh sáng mặt trời, ngăn chặn bức xạ tia cực tím có hại chiếu xuống, bảo vệ sự sống trên trái đất.

Nghị định thư Montreal được coi là điều ước quốc tế về môi trường thành công nhất từ trước đến nay với sự đồng thuận và tham gia của 100% các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, Nghị định thư cũng được tất cả các ngành, tập đoàn công nghiệp và người dân toàn cầu ủng hộ. 

Phản ứng hóa học làm suy giảm tầng ôzôn

Theo ước tính của các nhà khoa học, kể từ tháng 1/1/2010, khoảng 1,5 tỷ tấn các chất làm suy giảm tầng ôzôn nhóm CFC, halon và CTC sẽ được loại trừ hoàn toàn trên thế giới, giảm phát thải khoảng 25 tỷ tấn CO2 tương đương, đóng góp một phần quan trọng trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu (các chất làm suy giảm tầng ôzôn cũng là các khí nhà kính gây nóng lên toàn cầu cao gấp hàng nghìn lần CO2).

Theo đánh giá của các nhà khoa học, nếu không có nghị định thư Montreal, bầu khí quyển của chúng ta đã phải hấp thụ một lượng khí nhà kính cao gấp đôi hiện nay. Bên cạnh đó, nghị định thư Montreal ra đời còn giúp thế giới tránh được hàng chục triệu ca ung thư da, tiết kiệm khoảng 4.200 tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe từ năm 1990 đến 2065.

Việt Nam và những nỗ lực bảo vệ tầng ôzôn

Việt Nam chính thức phê chuẩn Nghị định thư Montreal vào tháng 1 năm 1994. Nhờ các chính sách cương quyết của Chính phủ, nỗ lực của Bộ Tài nguyên Môi trường cùng các cơ quan liên quan, sự tham gia của các doanh nghiệp, sự ủng hộ của người tiêu dùng cùng hỗ trợ tài chính của quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc từng bước hạn chế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ôzôn. 

Một sản phẩm gây hại cho tầng ôzôn

Trong thập kỷ 90, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 500 tấn CFC, 4 tấn holon và gần 400 tấn methyl bromide - những chất gây suy giảm tầng ôzôn. Song nhờ những nỗ lực giảm thiểu, trên 200 tấn CFC 12 (chiếm gần 1/2 tổng số CFC được sử dụng trong cả nước) đã được loại trừ và đến thời điểm này không còn doanh nghiệp nào tại Việt Nam sử dụng CFC trong sản xuất mỹ phẩm.

Lĩnh vực làm lạnh và điều hoà không khí cũng đạt được những kết quả khả quan với việc giảm trung bình mỗi năm 3,6 tấn CFC 11 trong ngành dệt may, 5,8 tấn CFC 12 trong sử dụng điều hoà không khí ô tô và 40 tấn CFC trong các thiết bị làm lạnh thương mại và gia dụng.

Đến năm 2009, Việt Nam chỉ còn nhập khẩu 10 tấn R-12 (chất làm suy giảm tầng ôzôn nhóm CFC) và bắt đầu từ 1/1/2010 toàn bộ các chất nhóm CFC sẽ bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam.

Hà Hương - Vietnamnet (Tổng hợp)
  • 5.965