Bộ Môi trường Nhật Bản ngày 5/9 cho biết kể từ mùa Xuân năm 2014 sẽ tiến hành các lựa chọn cụ thể về địa điểm ở khu vực địa tầng ngầm dưới biển nhằm thực hiện kế hoạch “chôn” lượng lớn khí thải CO2 thu hồi từ các nhà máy điện.
>>> Công nghệ thu giữ CO2 không được áp dụng phổ biến
Đây được xem như là một cách thức đối phó với lượng khí CO2 ngày càng tăng do Nhật Bản phải sử dụng các nhà máy nhiệt điện kể từ sự cố thảm họa động đất gây sóng thần hồi tháng 3/2011, khiến toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản phải tạm ngừng hoạt động.
Lượng khí CO2 gia tăng khiến các nhà chuyên môn Nhật Bản xác định việc thu gom và chôn số khí này dưới lòng đất sẽ là một giải pháp hiệu quả phù hợp với chính sách đối phó với hiệu ứng nhà kính mà chính phủ đang tiến hành. Theo dự kiến, việc triển khai dự án chôn khí CO2 sẽ được tiến hành đến năm 2030.
Báo cáo của Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết quá trình khảo sát sẽ tập trung vào ba khu vực nằm dưới độ sâu 200m dưới đáy đại dương, mỗi năm cho phép chôn hàng triệu tấn CO2.
Các khu vực đáy biển Nhật Bản hiện được xem có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, do đó triển vọng để thực hiện kế hoạch lưu giữ CO2 là rất khả thi. Tuy nhiên, để có thể xác nhận việc lưu giữ ở lớp địa tầng nào đòi hỏi một quá trình nghiên cứu toàn diện và kéo dài trong nhiều năm.
Ảnh: surfriderasturias.wordpress.com
Báo cáo cũng cho biết quá trình chôn cất khí CO2 vào khu vực địa chất dưới đáy đại dương đòi hỏi việc vận chuyển loại khí thải này tại các nhà máy nhiệt điện phải hết sức cẩn thận. Do đó, việc xây dựng đường ống vận chuyển dài hàng chục km đến các vịnh, bờ biển có thể sẽ không phù hợp, thay vào đó các chuyên gia đang nghiên cứu hệ thống vận chuyển, lưu giữ sử dụng tàu vận tải.
Theo dự kiến, việc thử nghiệm tàu vận tải phục vụ quá trình này sẽ được tiến hành vào năm 2016, trong đó các chuyên gia sẽ ứng dụng công nghệ đóng gói khí CO2 từ trên tàu và từ các giàn khoan trên biển, rồi đưa xuống đáy biển.
Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết kinh phí phục vụ cho các hoạt động điều tra, thăm dò, thử nghiệm công nghệ trong năm tài khóa 2014 sẽ vào khoảng 1,2 tỷ yen.
Cơ quan nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp môi trường Nhật Bản cho biết khả năng chôn cất khí CO2 tại các vùng biển gần Nhật Bản vào khoảng 150 tỷ tấn. Lượng khí đốt gây hiệu ứng nhà kính trong năm 2011 của Nhật Bản thải ra là 1,3 tỷ tấn, tương đương với lượng khí Nhật Bản thải ra trong suốt 120 năm qua.
Cơ quan này cũng cho biết khả năng lưu giữ khí CO2 dưới đáy biển trên cả thế giới là khoảng 10 nghìn tỷ tấn, và sự cạnh tranh giữa các đối thủ từ Mỹ, châu Âu trong việc nghiên cứu, tiến hành chôn loại khí thải này sẽ diễn ra ngày càng lớn.
Bộ Kinh tế, Khoa học và Công nghiệp Nhật Bản cũng cho biết việc thử nghiệm chôn cất CO2 dưới lòng đất trên lãnh thổ Nhật Bản sẽ được bắt đầu từ năm 2016, với trữ lượng khoảng 200 tấn/năm.
Trong khi đó, Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết thông qua việc thử nghiệm này, các ứng dụng công nghệ và kỹ thuật sẽ được bổ sung phục vụ quá trình nghiên cứu ảnh hưởng với các vùng biển xung quanh và khả năng rò rỉ khí CO2 sẽ được tiến hành.
Sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 năm 2011, Nhật Bản đã phải đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vốn không hề thải ra khí CO2. Trong năm 2012, 90% lượng điện ở Nhật Bản được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện, kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Việc tái khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đã được tiến hành, song việc sử dụng nhà máy nhiệt điện vẫn không thay đổi, do đó việc đối phó với khí CO2 đang là nhiệm vụ cấp bách của chính quyền Tokyo.
Nếu việc chôn khí CO2 xuống dưới mặt đất được triển khai, cơ hội mở ra xuất khẩu nhà máy nhiệt điện hiệu quả cao ra nước ngoài của Nhật Bản là rất lớn.