23h tối, sau khi vượt qua Quảng Ninh bão đã giảm còn cấp 7-8 (tối đa 62km/h) và hiện ở trên các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang. Mưa sau bão đang có dấu hiệu mạnh lên tại Hải Phòng, Quảng Ninh.
10 người chết ở Philippines.
Trước khi đổ bộ vào Việt Nam, trưa cùng ngày bão Kalmaegi với sức gió 140-160km/h đã tràn vào đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc, làm 90.000 người phải sơ tán. Tại Hong Kong, nhiều trường học, công sở và thị trường chứng khoán phải đóng cửa, gần 600 chuyến bay bị hủy hoãn.
Một ngày trước đó, bão cũng khiến 8.000 người Philippines phải sơ tán đến các trung tâm trú tránh khi quét qua nước này. Philippines bị mất điện và ngập lụt cục bộ, có nơi nước cao đến ngực. Một chiếc phà chở 15 thủy thủ đoàn bị lật. 10 người đã chết.
Bão gây úng ngập và mất điện trên diện rộng ở Philippines. (Ảnh: Reuters)
Lúc 17h chiều 16/9, bão được dự báo hướng thẳng vào Quảng Ninh - Hải Phòng và quét qua nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Các địa phương này được cảnh báo có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất cao.
Quảng Ninh được xác định là nơi tâm bão đi qua. Theo ghi nhận của phóng viên, trung tâm TP Hạ Long đang có gió mạnh cấp 9-10 kèm mưa to. Hàng cau vua ở đường Hạ Long gió thổi nghiêng ngả, nhiều cành lá bị gãy rớt xuống đường. Việc lưu thông bằng xe máy rất khó khăn vì gió tạt. Cầu Bãi Cháy đã bị cấm lưu thông. Trên cầu ghi nhận gió giật cấp 11, xe máy dù dắt bộ cũng không thể qua được.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền đã cắt điện khiến cả thành phố tối om. Các tuyến đường hầu như không có người qua lại.
Một đoạn hàng rào tôn bị gió lớn quật xuống đường. (Ảnh: Bá Đô)
Trước đó Quảng Ninh đã di dời hơn 10.000 người dân sống ở các khu vực nguy hiểm, có khả năng sạt lở, ngập lụt, tập trung ở thị xã Quảng Yên 2.680 người, Vân Đồn 1.860 người, Cẩm Phả 1.520 người, Tiên Yên 4.110 người. Tỉnh kiên quyết cưỡng chế những hộ không chấp hành lệnh sơ tán. Điều lo lắng nhất của chính quyền nơi đây là có hơn 33km đê biển thấp hơn đỉnh triều. Khi bão vào sẽ khiến nước biển dâng, có thể tràn qua đê gây ngập lụt.
Tại Hải Phòng, hiện cũng có gió mạnh cấp 9-10. Cây xanh ở nhiều tuyến đường nội thành như ở quận Hải An và quận ven biển Đồ Sơn đã bị quật đổ. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Thành phố đã cho cắt điện một số khu vực.
Tại TP Hạ Long, Quảng Ninh mưa đã ngớt, chỉ còn gió nhẹ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của người dân, đây không phải là dấu hiệu bão tan mà chỉ là khoảng lặng tạm thời.
Trên đường Hạ Long, rất nhiều cành cây gãy đổ. Đặc biệt, trước cửa nhà hàng Cổ Ngư, cây đổ đè lên xe ôtô Audi. Hàng rào bằng tôn xanh cao hơn một mét, dài hơn 30 m của bến tàu cảng du lịch Bãi Cháy bị gió giật đổ rạp xuống đường. Nhiều biển quảng cáo, áp phích bị gió xé toạc, rách tả tơi.
Chiếc xe Audi bị nhành cây gãy đè lên. (Ảnh: Bá Đô)
Không phải là tâm bão, song huyện ven biển Tiền Hải, Thái Bình có mưa rất to, gió mạnh chừng cấp 8-9. Một số xe máy không thể lưu thông do gió táp vào nghiêng ngả.
Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết tâm bão đang cách đất liền chừng 50km, và dự kiến đi vào khu vực Móng Cái - Tiên Yên của tỉnh Quảng Ninh.
Bản tin lúc 21h của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương thể hiện bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sức gió mạnh nhất đạt 102km/h, lúc này bão cách bờ biển Quảng Ninh khoảng 50km.
Ảnh hưởng của hoàn lưu trước bão, Hà Nội có mưa từ chiều và càng về tối càng nặng hạt. Gió mạnh cấp 3-4, cư dân sống tại các tòa nhà cao tầng có thể nghe rất rõ tiếng gió rít. Ban quản lý các tòa nhà cao tầng đều ra thông báo yêu cầu người dân phải đóng tất cả cửa sổ.
Thành phố Hà Nội đề nghị hiệu trưởng các trường học căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định cho học sinh nghỉ học, đồng thời bố trí lực lượng để quản lý những học sinh vẫn đến trường.
Đường đi và vị trí cơn bão lúc 20h ngày 16/9. (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương)
Tâm bão đã đi vào khu vực Móng Cái - Tiên Yên (Quảng Ninh) với sức gió mạnh nhất là 102km/h (cấp 10). Gió bão đã quật đổ nhiều cây xanh, giật tung nhiều mái tôn của các nhà cao tầng.
TP Hạ Long cùng nhiều huyện như Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả bị cắt điện. Người dân sau khi đã chằng chống nhà cửa hiện chỉ trú ngụ trong nhà, nghe gió rít qua khe cửa. Với người dân nơi này, việc phải hứng chịu bão đã trở thành quen vì năm nào cũng có ít nhất một cơn bão đổ bộ. Họ chỉ ngạc nhiên là bão vào thời điểm này, khi trời đã sang thu.
Người dân trên đường Kỳ Lừa đang chuẩn bị lợp thêm tôn lên mái nhà để gia cố vì gió đã khá mạnh. (Ảnh: Giang Huy)
Gió rít liên hồi ở Quảng Ninh, chiếc xe Audi bị cây gãy đè.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm này, cơn bão đã đi qua địa bàn tỉnh và chưa thể thống kê hết thiệt hại.
Còn theo ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, thống kê sơ bộ cho thấy, mưa bão đã khiến 10 ngôi nhà ở Cái Rồng bị tốc mái, 1.000 ha lúa ở bị đổ. Mưa lớn đang lan rộng ở các huyện Tiên Yên, Đầm Hà…
Tại tung tâm TP Hạ Long, gió bắt đầu có dấu hiệu giảm dần, lượng mưa cũng chỉ khoảng vài chục mm. Ngoài đường không còn bóng dáng của những chiếc xe.
Tại TP Hải Phòng, ban đầu khi bão áp sát trên đất liền có gió đông bắc mạnh cấp 10, nhưng hiện gió đổi hướng nam và dường như mạnh hơn, giật đổ nhiều biển hiệu quảng cáo. Toàn bộ khu vực nội thành mất điện, chỉ còn một số tuyến phố có điện đường, mưa lớn hơn trước.
Bão đang tiến sâu vào các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên và suy yếu dần. Tại Bắc Giang ghi nhận gió mạnh cấp 7 (dưới cấp gió bão, chỉ tương đương như áp thấp nhiệt đới). Dự báo sáng mai áp thấp nhiệt đới ở trên vùng núi Bắc Bộ, sức gió giảm còn dưới 39km/h (dưới cấp 6). Hoàn lưu sau bão vẫn gây mưa to cho khu Đông Bắc và vùng núi phía Bắc.
Về thiệt hại, ông Vũ Văn Diện (Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) cho biết, trên địa bàn có một ngôi nhà bị sập. Hiện hoàn lưu sau bão vẫn gây gió mạnh cấp 8 cho Quảng Ninh. Sau khoảng nửa tiếng ngớt mưa, trời lại đang mưa to. TP Hạ Long vẫn chưa được cấp điện trở lại.
Bão sượt qua Hải Phòng gây gió mạnh cấp 9-10, thêm nhiều cây xanh gãy đổ, bật gốc. Một số biển quảng cáo và mái tôn bị cuốn văng đi. Các chuyến bay đi - đến sân bay Cát Bi đều bị hoãn trong ngày hôm nay, cảng cũng ngừng hoạt động.
Rất khó khăn mới có thể leo lên để gia cố mái nhà vì gió giật rất mạnh, ảnh chụp lúc 21h45 tại đường Kỳ Lừa, Đồng Đăng, Lạng Sơn. (Ảnh: Giang Huy)
Hoàn lưu sau bão đang gây mưa to cho hầu khắp các tỉnh Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội. Gió vẫn giật mạnh từng cơn.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng cho biết đã cứu hộ thành công 13 ngư dân trên một tàu cá của Nghệ An. Tàu này bị đứt dây neo, trôi dạt tại khu vực luồng tàu vào bến tàu Việt Hải, huyện đảo Cát Hải. Trên tàu có 13 ngư dân, trong đó 2 người bị thương nặng khi dây neo đứt văng phải.
Đồn biên phòng Cát Bà đã cử một xuồng cứu hộ tới hiện trường nhưng do sóng to, gió lớn, đêm tối nên xuồng đi được nửa đường phải quay lại, điện báo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng cho phương tiện tăng cường.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng đã lệnh điều động tàu CN09 - tàu cứu hộ hiện đại nhất của Bộ đội biên phòng đang trực bão tại vùng biển Cát Bà sang ứng cứu. Và đến 23h, tàu CN09 cùng một tàu tuần tra khác của Biên phòng Cát Bà đang tìm cách tiếp cận, cứu hộ tàu Nghệ An cùng các ngư dân.
Đến 23h20 hai tàu biên phòng đã tiếp cận tàu gặp nạn và đang lai dắt vào đất liền.