Các nhà nghiên cứu Mỹ nói rằng hai người đàn ông bị nhiễm HIV lâu năm được ghép tủy xương giờ đây đã không cần liệu pháp kháng virus, theo hãng tin UPI.
Các tiến sĩ Timothy Henrich và Daniel Kuritzkes thuộc Khoa Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Phụ nữ Brigham ở Boston nói rằng, một trong hai bệnh nhân đã ngừng liệu pháp kháng virus cách đây 15 tuần, và người còn lại đã ngừng cách đây bảy tuần.
Tủy xương
Mùa hè năm ngoái, các ông Henrich và Kuritzkes tuyên bố virus HIV được phát hiện dễ dàng trong các tế bào bạch huyết của hai người đàn ông trước khi họ được ghép tủy xương nhưng, đã không thể tìm thấy 8 tháng sau đó. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, hai bệnh nhân vẫn phải áp dụng liệu pháp kháng virus.
Kể từ khi ngừng liệu pháp kháng virus hồi mùa xuân năm nay, hai bệnh nhân vẫn không có ADN hay ARN HIV có thể phát hiện được trong máu.
“Dù các kết quả này rất phấn khởi, chúng chưa chứng minh các bệnh nhận đã được chữa trị. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục theo dõi trong ít nhất một năm để tìm hiểu tác dụng hoàn toàn của việc ghép tủy xương đối với sự tồn tại dai dẳng của HIV”, ông Henrich nói.
Cuộc nghiên cứu cho thấy một sự sụt giảm ít nhất 1.000-10.000 lần quy mô của ổ chứa HIV trong máu ngoại biên của hai bệnh nhân, nhưng virus này có thể hiện diện trong các mô khác như não hoặc đường dạ dày-ruột.
“Nếu virus trở lại, điều đó sẽ cho thấy các khu vực khác này là một ổ chứa virus truyền nhiễm quan trọng và cần có những cách thức mới nhằm đánh giá ổ chứa virus ở những khu vực liên quan trước khi tiến đến việc phát triển các chiến lược điều trị HIV”, ông nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu đã được trình bày tại Hội nghị Xã hội AIDS Quốc tế tại Kuala Lumpur (Malaysia) hôm 3/7.