Nghiên cứu của TS Silvia Frey tại ĐH Basel ở Thụy Sĩ và cộng sự được công bố trên tạp chí Current Biology phát hiện rằng con người ngủ ít hơn khi trăng tròn và điều này là do dấu ấn di truyền từ tổ tiên của chúng ta, vốn sinh sống trong hang.
Con người ngủ ít hơn vào lúc trăng tròn - (Ảnh Daily Mail)
Nhóm nghiên cứu giải thích rằng con người ít ngủ ngon hơn khi mặt trăng lên đến đỉnh điểm của chu kỳ hằng tháng không phải vì ánh sáng của mặt trăng hoặc do trọng lực nhưng vì trong mỗi người chúng ta có đồng hồ sinh học hằng tháng, tương tự như đồng hồ sinh học hằng ngày.
Giấc ngủ không sâu vào lúc trăng tròn hằng tháng là do tổ tiên để lại vì con người thời sơ khai cần tỉnh thức hơn để đối phó với động vật săn mồi – vốn tìm thức ăn thuận lợi hơn lúc trăng sáng.
Các nhà khoa học đã khảo sát giấc ngủ của 33 người tình nguyện bằng cách quét não và nhận thấy khi trăng tròn, hoạt động của não liên quan đến giấc ngủ sâu giảm đi 30%.
Lúc trăng tròn, họ ngủ ít hơn những ngày khác trung bình khoảng 20 phút và hormone điều chỉnh chu kỳ ngủ melatonin cũng được tiết ra ít hơn. Lúc đó, thời gian rơi vào giấc ngủ cũng dài hơn trung bình khoảng 5 phút so với những ngày khác.