Cơ quan Y - sinh liên bang Nga (FMBA) tuyên bố, các quan ngại về việc virus Ebola, thủ phạm cướp đi sinh mạng của gần 1.000 người ở Tây Phi trong vài tháng trở lại đây, có thể bị sử dụng như vũ khí sinh học, là có căn cứ.
"Nguy cơ như trên luôn tồn tại. Trong thực tế, virus Ebola có thể được dùng dưới dạng thuốc xịt, có khả năng gây ra vấn đề rất nghiêm trọng", Vladimir Nikiforov, Trưởng Khoa Các bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Đào tạo nâng cao của FMBA, phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây ở Moscow, Nga.
Theo ông Nikiforov, rất khó để phát hiện các nỗ lực chế tạo vũ khí sinh học, bất chấp việc Công ước về vũ khí sinh học và độc hại đã có hiệu lực kể từ năm 1972.
Virus Ebola thuộc loại nguy hiểm nhất hiện nay vì chưa có vắc-xin phòng ngừa và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. (Ảnh: Live Science)
Chuyên gia này lí giải, các vũ khí sinh học không giống như bom nguyên tử. Để tạo ra một quả bom như vậy, người ta cần phải có một mỏ uranium, một nhà máy điện hạt nhân và các công nghệ xử lý liên quan khá cồng kềnh. Tuy nhiên, các vũ khí sinh học có thể được chế tạo trong một phòng thí nghiệm nhỏ, rất dễ để ngụy trang.
Quan điểm của ông Nikiforov tương đồng với ý kiến của tiến sĩ Peter Walsh thuộc Đại học Cambridge, người từng cảnh báo công chúng Anh rằng, một tên khủng bố có thể sử dụng virus Ebola để tạo ra bom bẩn. Báo The Sun dẫn lời nhà nhân chủng học - sinh học Anh bày tỏ lo ngại sẽ có thảm sát kinh hoàng "nếu một nhóm người tìm được cách khai thác virus như nguyên liệu trong một quả bom sẽ phát nổ ở một khu vực đông đúc dân cư".
Theo tiến sĩ Walsh, hiện chỉ có vài phòng thí nghiệm trên thế giới đang có trong tay virus Ebola và những cơ sở này đều đang được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Do đó, chúng ta hiện chỉ đề phòng nguy cơ một nhóm khủng bố có thể tìm cách thâu tóm virus chết người ở Tây Phi.
Hồi tuần trước, Gennady Onischenko, một cựu lãnh đạo cơ quan y tế hàng đầu của Nga, từng bày tỏ rằng, ông không loại trừ khả năng dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi rất đáng ngờ và có yếu tố nhân tạo.
Tính tới thời điểm hiện tại, ít nhất 961 người đã tử vong vì đợt dịch Ebola nghiêm trọng nhất trong 4 thập niên qua. Dịch lần này khởi phát ở Guinea hồi tháng 3 và đã nhanh chóng lan tới Liberia, Sierra Leone và Nigeria, tấn công tổng cộng hơn 1.700 người. Tất cả các trường hợp nhiễm bệnh hiện đều bắt nguồn từ Tây Phi.
Cảnh sát Guinea canh gác 1 thi thể nạn nhân nhiễm virus Ebola suốt nhiều giờ đồng hồ. Do sợ bị lây nhiễm mà cảnh sát cũng như người dân quanh khu vực không dám động vào nạn nhân. (Ảnh: AP)
Cho tới nay, Mỹ mới ghi nhận 2 công dân nước này nhiễm bệnh là các nhân viên y tế tham gia chống dịch ở Liberia. Họ đã được đưa về nước chữa trị và có dấu hiệu cải thiện tình trạng bệnh sau khi được cho dùng một loại thuốc thử nghiệm. Nhà chức trách Mỹ hiện cũng đã nới lỏng các hạn chế an toàn đối với loại thuốc TKM-Ebola thử nghiệm, đang được kỳ vọng có thể giúp chữa trị hiệu quả cho những bệnh nhân nhiễm virus chết người.
Châu Âu cũng xác thực trường hợp công dân đầu tiên nhiễm Ebola là một nhà truyền giáo Tây Ban Nha đã giúp đỡ các bệnh nhân nằm viện ở thủ đô Monrovia của Liberia. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Ebola, vị linh mục 75 tuổi đã được đưa từ Liberia về quê hương chữa trị trong một chiếc lồng cách ly đặc biệt bằng nhựa tổng hợp để ngăn ngừa virus phát tán.