Các nhà cổ sinh vật học tìm thấy bộ xương hóa thạch hiếm của một loài cá heo săn mồi răng lớn sống trong thế Tiệm Tân.
Loài cá heo tiền sử mới được đặt tên là Ankylorhiza Tieemani. (Ảnh: Robert Boessenecker).
Theo báo cáo trên tạp chí Current Biology hôm 9/7, Ankylorhiza Tieemani là sát thủ săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn đại dương cách đây 25 triệu năm. Mẫu vật hóa thạch gần như hoàn chỉnh của loài được khai quật ở bang South Carolina, phía đông nam nước Mỹ.
Dựa trên phân tích giải phẫu, các nhà khoa học xếp A. Tieemani vào phân bộ Cá voi có răng (Odontoceti), bao gồm cá nhà táng, cá voi mõm khoằm, cá voi sát thủ và các loài cá heo hiện đại.
Hóa thạch gần như hoàn chỉnh của A. Tieemani. (Ảnh: Current Biology).
A. Tieemani được cho là đại điện đầu tiên của phân bộ Odontoceti trở thành động vật săn mồi đỉnh bảng dưới đại dương. Chúng sở hữu thân hình to lớn, hàm răng mạnh mẽ và có thể săn những con mồi có kích cỡ tương đương cá voi sát thủ ngày nay.
Sau khi Ankylorhiza tuyệt chủng, phải mất tới 5 triệu năm để các loài Odontoceti khác như cá nhà táng sát thủ và cá heo Squalodon tiền sử thống trị chuỗi thức ăn đại dương một lần nữa. Khi các loài này tuyệt chủng, cá heo sát thủ mới vươn lên thế chỗ cách đây 1 - 2 triệu năm.
"Cá voi và cá heo có lịch sử phát triển rất dài và phức tạp. Những phát hiện hóa thạch như Ankylorhiza sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ con đường tiến hóa ban đầu của chúng", trưởng nhóm nghiên cứu Robert Boessenecker từ Đại học Charleston ở Charleston, South Carolina chia sẻ.