Hội chứng đau khuỷu tay Tennis Elbow: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

  •  
  • 176

Hội chứng Tennis Elbow là tình trạng đau tại khuỷu tay do viêm các gân cơ bám vào lồi cầu ngoài xương cánh tay.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Phạm Thị Bình Minh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3.

Định nghĩa

Hội chứng Tennis Elbow thường xảy ra do quá tải hoặc các chuyển động lặp đi lặp lại của cổ tay và khuỷu tay.

Ý nghĩa của tên gọi "tennis elbow" "khuỷu tay của người chơi tennis", tuy nhiên vận động viên tennis không phải là những người duy nhất bị hội chứng này. Viêm gân tay do hội chứng Tennis Elbow cũng có thể gặp ở nhiều người và nhiều độ tuổi khác nhau.

 Viêm gân tay do hội chứng Tennis Elbow có thể gặp ở nhiều người.
 Viêm gân tay do hội chứng Tennis Elbow có thể gặp ở nhiều người. (Ảnh minh họa).

Biểu hiện

- Người bệnh đau vùng khuỷu tay, chủ yếu mặt ngoài khuỷu tay, lan xuống cẳng tay và cổ tay.

- Khuỷu có thể sưng, đỏ hoặc không.

- Đau tăng khi cử động, hoặc khi làm các việc như:

  • Nắm chặt một vật, hoặc nâng một vật lên.
  • Xoay tay nắm cửa.
  • Vắt khăn.
  • Mở nắp chai nước.
  • Nâng cao tay hoặc duỗi cổ tay.

Nguyên nhân

  • Chấn thương do sử dụng quá mức và gây căng cơ.
  • Sự co cơ lặp đi lặp lại của các nhóm cơ duỗi cổ tay, duỗi ngón tay.
  • Các chuyển động lặp đi lặp lại và căng cơ có thể dẫn đến các vết rách nhỏ ở các gân cơ và gây viêm.

Ai thường bị hội chứng Tennis Elbow?

  • Tuổi tác: Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến nhất là độ tuổi từ 30 đến 50.
  • Nghề nghiệp: Người có công việc liên quan đến chuyển động lặp đi lặp lại của cổ tay và cánh tay như thợ ống nước, thợ sơn, thợ mộc, người bán thịt, đầu bếp, nhân viên văn phòng...
  • Những người chơi một số môn thể thao dùng vợt như tennis, cầu lông...

Chẩn đoán

Hội chứng Tennis Elbow được chẩn đoán khá dễ dàng qua khám lâm sàng. Bác sĩ có thể tạo áp lực lên vùng khuỷu hoặc yêu cầu người bệnh duỗi cổ tay, duỗi các ngón tay. Ngoài ra, người bệnh sẽ được chẩn đoán xác định qua hình ảnh trên siêu âm mô mềm.

Trong một số trường hợp, nếu bác sĩ nghi ngờ các nguyên nhân khác sẽ đề nghị chụp X-quang hoặc đo điện cơ...

Điều trị

Điều trị sớm, bệnh khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng. Các phương pháp điều trị gồm:

- Nghỉ ngơi, tránh các hoạt động như duỗi cổ tay, nâng vật nặng.

- Sử dụng băng thun quấn cố định vùng khuỷu.

- Sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau.

- Tập vật lý trị liệu.

- Phẫu thuật có thể được chỉ định nếu người bệnh dùng thuốc không giảm đau sau 6 đến 12 tháng.

- Điều trị bằng y học cổ truyền: Hiệu quả giảm đau rõ rệt ngay sau một lần điều trị, không có tác dụng phụ.

  • Dùng các bài thuốc có tác dụng hành khí hoạt huyết.
  • Châm cứu, điện châm, laser châm.
  • Cấy chỉ.
  • Bó thuốc.
  • Xoa bóp bấm huyệt.

Bị nhức bắp chân là bệnh gì?

Đau lưng khi thở là dấu hiệu của bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Nhiễm virus hợp bào hô hấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Cập nhật: 26/11/2023 VNE
  • 176