Huyết thanh đặc hiệu cứu bệnh nhân bị rắn cắn

  •  
  • 3.002

Từ đầu mùa lũ năm 2005 đến nay, bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ đã cứu được 6 bệnh nhân bị rắn lục tre và rắn hổ đất cắn bằng cách sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32 loài rắn độc trong tổng số 140 loài rắn. Điều trị rắn cắn bằng huyết thanh kháng nọc rắn là phương pháp điều trị trung hòa độc tố nọc rắn trong máu, sớm đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nhiễm độc cấp tính.

Trước đây, khi chưa sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, nạn nhân bị rắn cắn thường được điều trị triệu chứng, thời gian điều trị kéo dài với nhiều biến chứng và tỷ lệ thành công không cao.

Mới đây, bà Nguyễn Thị Chính, 54 tuổi, ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) bị rắn lục tre cắn, được đưa đến khoa cấp cứu trong tình trạng phù nề, xuất huyết dưới da nhiều nơi, toàn thân tím tái và có dấu hiệu trụy tim mạch.

Bệnh nhân nhanh chóng được cấp cứu hồi sức, kiểm soát hô hấp bằng máy thở. Các bác sĩ đã sử dụng 7 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục tre và một số phương pháp điều trị hỗ trợ. Sau 15 ngày, bà Chính đã xuất viện.

Nay có 2 loại vaccine huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu do Viện Vaccine Nha Trang sản xuất đã giúp cho Trại rắn dược liệu Đồng Tâm ( Quân khu 9) và một số bệnh viện trong khu vực điều trị hiệu quả cho người bị rắn độc cắn. Tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ có đủ 2 loại huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu trị độc của rắn hổ đất và rắn lục tre.

Cùng với nỗ lực điều trị tại tuyến trên, bệnh viện còn tổ chức tập huấn cho các địa phương về phương pháp điều trị rắn độc cắn bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc trị nhằm kịp thời cứu chữa người dân bị rắn cắn.

Trần Khánh Linh

Theo Tiền Phong Online
  • 3.002