Khai quật rừng hóa thạch 380 triệu năm tuổi

  •  
  • 2.988

Khu rừng tọa lạc ở thị trấn Gilboa, New York (Mỹ) ngày nay được khai quật lần đầu tiên vào những năm 1920. Nhưng mới đây, một dự án xây dựng đã giúp khám phá tầng đáy của khu rừng tồn tại cách đây 380 triệu năm ở kỷ Devon.

Tầng thấp nhất của khu rừng hóa thạch có ít nhất 3 loại cây cổ thụ. Loại thứ nhất là cây Gilboa mà trước đây người ta cho rằng đây là loài cây duy nhất trong khu rừng. Những công nhân khai mỏ đã lấy được những mẫu vật từ khu vực này kể từ khi những cây hóa thạch được tìm thấy lần đầu tiên. Loài cây này rất cao và trông giống cây cọ ngày nay, với một tán rộng trên ngọn cây.

Cấu trúc của khu rừng cổ đại.
Cấu trúc của khu rừng cổ đại. (Nguồn: Livescience)

Nhưng ngoài cây Gilboa còn có một mẫu rất lạ nữa. Nằm giữa những tán cây Gilboa là loài cây bụi có tán rộng khoảng 15cm. Loài cây này có vẻ đã sống dựa vào cây Gilboa.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một khúc cây lycopsid, loài cây phát triển rất mạnh trong kỷ carbon, cách đây khoảng 300 - 360 triệu năm. Việc khám phá thêm hai loài cây trong khu rừng cổ đại làm thay đổi suy nghĩ của các nhà cổ sinh vật học. Các nhà nghiên cứu trước kia nghĩ rằng đây là một đầm lầy, nhưng các nhà khoa học ngày nay tin rằng khu rừng này nằm trên một cánh đồng ven biển bằng phẳng. Nó đã bị chôn vùi và lưu giữ khi dòng sông thay đổi, khiến một lượng cát khổng lồ bao phủ toàn bộ đáy rừng.

Kỷ Devon là thời gian thực vật bắt đầu phát triển từ cây nhỏ, mọc rải rác thành cây lớn, tạo thành rừng. Cây cối làm sạch carbon dioxide trong bầu khí quyển, nên trong thời kỳ này, lượng carbon dioxide có thể đã ít hơn 15% so với ngày nay.

Theo Livescience, Đất Việt
  • 2.988