Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Queensland vừa khám phá ra bí mật của các con rắn biển có nọc độc nguy hiểm chết người vốn trước đây được coi là thuộc về một loài duy nhất.
Trước đây, các nhà khoa học từng nghĩ rằng những con rắn biển độc chết người ở Úc và Châu Á là cùng một loài Enhydrina schistose. Vì chúng có hình dáng tương tự nhau với miệng giống mỏ chim và có một vết lõm ở giữa hàm dưới.
Do có hàm giống nhau nên rắn biển Châu Á (trái) và rắn biển
Úc (phải) thường nhầm lẫn là cùng một loài. (Ảnh: Livescience)
Tuy nhiên đến nay theo nghiên cứu DNA và giải mã cây gia đình của các con rắn độc trên do nhà khoa học Bryna Fry và các đồng nghiệp tại trường Đại học Queensland thực hiện cho thấy, chúng thuộc vào những loài rắn khác biệt nhau và thậm chí không có quan hệ họ hàng. Chúng có sự tiến hóa độc lập, dù kết quả tiến hóa khá giống nhau.
Trong đó, rắn biển độc ở Châu Á thuộc về loài Enhydrina schistose, còn rắn biển độc ở Châu Úc thuộc về loài Enhydrina zweifeli. Cả hai loài này được coi là thủ phạm gây ra đa số các trường hợp tử vong do bị rắn biển tấn công. Chúng có hàm giống nhau vì cả hai đều ăn chủ yếu là cá da trơn gai và cá nóc, nên miệng của chúng phải mở rộng.
Được biết, những con rắn biển nguy hiểm nhất trên thế giới trên có ở vùng biển từ bản đảo Ả Rập đến Úc. Chúng thích sống ở các cửa sông và đầm phá gần bờ. Khi mắc vào lưới ngư dân nó có thể tấn công gây chết người với loại nọc độc cực kỳ nguy hại, mạnh hơn cả rắn hổ mang chúa.