Các nhà khoa học vừa công bố loạt ảnh đặc sắc về thế giới san hô trong dự án “Caltin Seaview Survey” (Khảo sát tầm nhìn biển Caltin) với mục đích lập bản đồ san hồ trên toàn thế giới và nghiên cứu đời sống đại dương.
Nhóm nghiên cứu đã bắt tay vào công việc lập bản đồ rạn san hô Barrier khổng lồ của Úc vào tháng 9/2012, bằng cách sử dụng robot lặn sâu dưới đại dương cùng với máy ảnh công nghệ cao, được gọi là SeaView SVII.
Một số hình ảnh tại rạn san hô khổng lồ Barrier được máy ảnh công nghệ cao chụp
Các nhà khoa học cho biết máy ảnh công nghệ cao SeaView SVII đã thực hiện cuộc cách mạng trong đại dương, tự động hóa hình ảnh với độ sắc nét cao mà chưa một máy ảnh nào thực hiện trước đây.
Những hình ảnh dưới đại dương được chụp với góc 360 độ sau mỗi ba giây, máy ảnh sẽ ghi chính xác vị trí và hướng của bức ảnh bằng thiết bị GPS, cho phép các nhà khoa học đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của rạn san hô.
Hơn 50.000 ảnh trong cuộc thám hiểm 20 rạn san hô sẽ được "khâu" lại với nhau bằng một phần mềm đặc biệt. Từ đó hình ảnh về bản đồ san hô sẽ hiện lên Google Earth.
Hoegh - Guldberg, một trong những nhà nghiên cứu sinh vật biển, cho biết: “Hiện chúng tôi đã đi được nửa cuộc hành trình. Trong khi đó bạn sẽ mất 100 năm để làm điều này với những thợ lặn bình thường cùng với máy ảnh bình thường".
Quan sát và nghiên cứu một số rạn san hô ở khu vực hẻo lánh trên thế giới sẽ cho phép các nhà khoa học trả lời chính xác câu hỏi: khi nào, ở đâu và lý do quan trọng vì sao các rạn san hô trên thế giới đang suy giảm.