Sự bao bọc thái quá của cha mẹ có thể tác động tới tính cách của những đứa con theo chiều hướng tiêu cực.
|
Tính cách của trẻ phát triển theo hướng tiêu cực nếu cha mẹ bao bọc chúng quá mức. Ảnh: wordpress.com. |
Livescience cho biết, Neil Montgomery, một nhà tâm lý của Đại học Keene tại Mỹ, nhận được nhiều lời phàn nàn của các nhân viên hành chính trong trường. Theo lời kể của những người này, phụ huynh của nhiều sinh viên tỏ ra quan tâm quá mức tới con, kể cả những chuyện trong trường. Chẳng hạn, nhiều cha, mẹ luôn tìm cách can thiệp vào những công việc giữa sinh viên với trường ngay cả khi con họ có thể tự giải quyết. Trước thực tế đó, Montgomery quyết định nghiên cứu những sinh viên được cha mẹ bao bọc quá mức để xem sự bao bọc đó tác động thế nào tới nhân cách của họ.
Montgomery và đồng nghiệp gặp khoảng 300 sinh viên nam mới nhập học và yêu cầu họ điền vào một phiếu điều tra với những câu hỏi được thiết kế để đánh giá mức độ quan tâm của cha mẹ đối với họ.
“Chúng tôi chọn những sinh viên mới vì khoảng thời gian các em tới trường đại học là giai đoạn đáng sợ đối với những phụ huynh thích bao bọc con cái. Ở giai đoạn đó, cha mẹ bắt đầu không thể kiểm soát mọi mặt trong cuộc sống của con và không thể bắt chúng làm theo ý muốn của họ”,Montgomery nói.
Trong phiếu điều tra các nhà tâm lý đưa ra nhiều câu như
“Cha mẹ liên lạc với một nhân viên hành chính trong trường và giải quyết mọi vấn đề nhân danh tôi”,
“Trong ngày nhập học, cha mẹ tôi ở lại cùng tôi tới tận buổi tối để đảm bảo rằng tôi có thể thích nghi với môi trường mới”,
“Nếu tôi không gọi điện thoại sau hai ngày kể từ khi nhập học thì cha mẹ sẽ liên lạc với tôi”. Các sinh viên phải điền vào một thang điểm để thể hiện mức độ đồng ý của họ với những câu nói này.
Kết quả cho thấy chỉ có khoảng 10% tân sinh viên nhận được sự quan tâm thái quá của cha mẹ. Nếu tính riêng sinh viên nữ thì tỷ lệ đó là 13%, còn đối với nam chỉ khoảng 5%. Trong phần lớn trường hợp mẹ là người tỏ ra quan tâm thái quá.
Sau khi tìm hiểu kỹ nhóm sinh viên được bao bọc quá mức, các chuyện gia nhận thấy họ có mức độ sẵn sàng đón nhận ý tưởng mới thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Bên cạnh đó họ còn dễ rơi vào trạng thái tiêu cực – như lúng túng, lo lắng, bốc đồng, loạn thần kinh chức năng – hơn so với sinh viên có cha mẹ bình thường.
“Khi đứng trước một sinh viên luôn phụ thuộc vào người khác, dễ suy sụp tinh thần, thường xuyên lo lắng và bốc đồng, không thích những ý tưởng và hành động mới, liệu bạn có nghĩ người đó sẽ trở thành một sinh viên giỏi không? Tôi nghĩ câu trả lời chính xác là không”, Montgomery phát biểu.
Ngược lại, những sinh viên không được cha mẹ bao bọc tỏ ra độc lập trong suy nghĩ, sẵn sàng đón nhận ý tưởng mới, không thường xuyên rơi vào trạng thái bốc đồng hay lo lắng.
Mặc dù nghiên cứu của Montgomery có quy mô nhỏ, song ông cho rằng được cha mẹ quan tâm quá mức không phải là điều may mắn đối với trẻ, bởi chúng sẽ gặp khó khăn hơn những người khác trong việc thích nghi với cuộc sống khi tơi tuổi trưởng thành.
Montgomery nhấn mạnh rằng không phải mọi đứa trẻ được cha mẹ quan tâm quá mức sẽ trở thành những công dân với nhiều tính cách tiêu cực. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng những bậc phụ huynh thích bao bọc con nên suy nghĩ lại về cách nuôi, dạy con mà họ đang áp dụng. Ông hy vọng các nhà tâm lý khác sẽ tiến hành những cuộc điều tra quy mô lớn với nhiều đối tượng trẻ em – như học sinh tiểu học và học sinh phổ thông. Theo Montgomery, những cuộc điều tra như thế sẽ mang đến một bức tranh rõ ràng hơn.