Hình ảnh trên vải liệm Turin, mà nhiều người cho rằng chính là của Chúa Jesus, có thể được tạo thành do bức xạ phát ra từ một trận động đất cực mạnh.
Các nhà khoa học thuộc Viện Politecnico di Torino (Ý) cho rằng, sóng bức xạ neutron phát sinh từ một cơn địa chấn đã khắc họa rõ hơn hình ảnh của một người trên thập tự giá, đồng thời làm nhiễu loạn kết quả phân tích đồng vị carbon 14 vào năm 1988.
Nghiên cứu mới ủng hộ giả thuyết huyền bí về Vải liệm Turin - (Ảnh: Creative Commons)
Kể từ khi tấm vải linh thiêng được chụp ảnh vào năm 1898, thế giới bị đẩy vào cuộc tranh luận để xác định liệu đây có phải là tấm vải liệm Chúa Jesus hay không, cũng như niên đại của nó và tại sao lại xuất hiện hình ảnh trên tấm vải.
Kết quả phân tích đồng vị carbon được thực hiện vào năm 1988 cho rằng tấm vải trên đã xuất hiện 728 năm, có nghĩa là không phù hợp với các suy đoán liên quan đến nhà sáng lập đạo Thiên chúa.
Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu khác không bị thuyết phục bởi kết luận trên, cho rằng kết quả bị sai lệch do tác động của bức xạ tia neutron, nhưng không xác định được nguồn gốc của những bức xạ này.
Mới đây, chuyên gia Alberto Carpineri và đồng sự đã tiến hành một cuộc thí nghiệm hóa học, theo đó cho rằng những sóng áp suất có tần số cao phát ra từ vỏ Trái đất trong những trận động đất có thể là nguồn tống xuất các hạt neutron.
Theo báo cáo trên chuyên san Meccanica, một trận động đất mạnh 8,2 độ Richter giáng xuống Jerusalem vào năm 33 có thể đủ sức phóng hạt neutron, từ đó “khắc” hình ảnh lên tấm vải liệm nổi tiếng.