Một số nhà khoa học Trung Quốc nói rằng ngôi mộ ở An Dương, Hà Nam, Trung Quốc vẫn được xem là của Tào Tháo thực chất là của Ngụy Nguyên Đế, vị hoàng đế cuối cùng nhà Ngụy.
Trương Quốc An, tiến sĩ sử học, Đại học Sư phạm Bắc Kinh chính là người đưa ra quan điểm này. Theo Sina.com thì tiến sĩ Quốc An cho biết rằng: ngay sau khi Cục văn vật Hà Nam tuyên bố phát hiện ra mộ Tào Tháo tại Tây Cao Huyệt, huyện An Dương, Hà Nam thì ông đã đến tận địa điểm khai quật để xem xét. Căn cứ vào những bằng chứng đã thu thập được, ông An nhận định đây có thể là mộ của Ngụy Nguyên Đế Tào Hoán, cháu của Tào Tháo.
Mộ Tào Tháo vẫn còn là bí ẩn với các nhà khoa học Trung Quốc.
(Ảnh: mic.edu.vn).
Các nghi vấn mà ông An đưa ra để cho rằng ngôi mộ đó không thể là của Tào Tháo là: cách xưng hô “Ngụy Vũ Vương” trên các tấm bia tìm thấy trong mộ. Thứ hai là mộ thất có nhiều điểm hoàn toàn không giống với phong cách mộ táng thời đại Tào Tháo.
Sina dẫn lời tiến sĩ: “Đa số các ngôi mộ thời cuối Đông Hán đều có ba phòng, trong khi đó ngôi mộ ở Tây Cao Huyệt lại chỉ có hai. Phong cách hai phòng là hình thức mai táng dành cho tầng lớp quý tộc ở thời Ngụy Tấn”.
Niên đại những tranh đá tìm thấy trong ngôi mộ muộn hơn so với thời kỳ Tào Tháo sống là nguyên nhân thứ ba mà Quốc An đưa ra.
Tất cả những chứng cứ và lập luận đó đã khiến tiến sĩ đưa ra phán đoán ngôi mộ ở Tây Cao Huyệt, An Dương thực tế là mộ của Ngụy Nguyên Đế Tào Hoán. Ông cũng cho biết, trước đây, người ta cho rằng mộ Tào Hoán nằm ở Lâm Chương, Hà Bắc. Song vào 1986, các nhà khảo cổ tiến hành khai quật và phát hiện ra rằng đó không phải là mộ của Tào Hoán.
Ngoài ra, bộ xương người đàn ông được tìm thấy trong ngôi mộ được xác định là có độ tuổi vào khoảng 60. Như vậy, vẫn có thể coi là phù hợp trong mức chênh lệch so với tuổi Tào Tháo (66 tuổi). Song so sánh với độ tuổi 58 của Tào Hoán thì lại càng gần và hợp lý hơn. Đây được xem là một bằng chứng nữa để Quốc An khẳng định ngôi mộ ở Tây Cao Huyệt, An Dương, Hà Nam là mộ Tào Hoán chứ không phải của Tào Tháo.