Sau một thời gian tổng hợp, một nhóm nghiên cứu môi trường làm việc cho Quỹ Thiên nhiên quốc tế (WWF) vừa công bố 163 loài mới được phát hiện vào năm ngoái tại khu vực sông Mekong.
WWF cho biết trong năm 2008 các nhà khoa học đã phát hiện 100 loài thực vật, 28 loài cá, 18 loài bò sát, 14 loài lưỡng cư, hai loài có vú và một loài chim tại khu vực này.
Trong số này, có loài ếch có răng nanh (tên khoa học Limnonectes megastomias) chuyên ăn thịt chim và côn trùng (sống ở vùng đông bắc Thái Lan); loài tắc kè báo Cát Bà (tên khoa học Goniurosaurus catbaensis) có đôi mắt màu nâu - cam lớn giống mắt mèo, trên cơ thể có những đốm giống loài báo (sống trên đảo Cát Bà ở miền Bắc Việt Nam); một loài rắn có màu da vằn vện như hổ ở Việt Nam...
Tắc kè báo Cát Bà - một loài mới được phát hiện ở Việt Nam |
Các nhà nghiên cứu của WWF cũng cảnh báo những tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm sự gia tăng đột ngột hạn hán và lũ lụt, đang đe dọa tới môi trường sống của các loài mới trên. Bên cạnh đó là những mối đe đọa "truyền thống" như săn bắt trộm, ô nhiễm và hủy diệt môi trường sống.
"Một số loài có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng nhiều loài thì không và có thể bị tuyệt chủng quy mô lớn" - ông Stuart Chapman, giám đốc Chương trình nghiên cứu Greater Mekong của WWF, nhận xét.
Trong năm 2009, nhóm nghiên cứu đã lần đầu tiên tìm ra tổ của loài diệc tai trắng ăn đêm tại Việt Nam; loài chim đầu hói biết hót ở Lào (Bulbul Pycnonotus); loài dơi mũi ống (tên khoa học Murina harpioloides) sống ở đông nam Việt Nam và loài chim hét cao cẳng Nonggang thích đi hơn bay ở các rừng nhiệt đới có nhiều kẽ nứt đá vôi, đất sụt và suối ngầm ở biên giới Việt - Trung.
Nhóm nghiên cứu cũng thông báo đã phát hiện trên 3 địa điểm mà loài chim Mi LangBiang (Crocias langbianis) đang bị nguy cấp có thể sinh sống tại Việt Nam. Chim này có bộ lông xám đen và nâu, dưới bụng có khoảng lông trắng.
WWF đang có kế hoạch xuất bản một ấn phẩm hằng năm liệt kê các loài mới được phát hiện tại sông Mekong, đã kêu gọi gia tăng nỗ lực để đảm bảo các loài mới được phát hiện bằng cách gìn giữ các khu rừng rộng lớn và hệ thống sông ngòi chảy tự nhiên mà chúng cần để tồn tại.