Những cuộc tàn phá của động vật ngoại lai

  •   52
  • 5.387

Trước nạn rùa tai đỏ ở Việt Nam, trên thế giới từng có nhiều thảm họa về môi trường do động vật ngoại lai gây ra. Có nơi, giới chức phải treo giải hàng triệu USD để tìm kiếm biện pháp loại trừ sinh vật lạ.

Cóc mía

Năm 1935, loài cóc mía được nhập khẩu từ Hawaii vào Australia để tiêu diệt bọ cánh cứng hại mía. Tuy nhiên, chúng nhanh chóng trở thành loài vật gây hại và trở thành nỗi kinh hoàng của nước Australia.

Môi trường sống thích hợp đã khiến cóc mía phát triển với một tốc độ chóng mặt. Theo số lượng ước tính của các nhà hoa học thì loài động vật này đạt số lượng 200 triệu con vào năm 2007 và chiếm lĩnh 75 % lãnh thổ Australia vào năm 2008.


Cóc mía là "nỗi kinh hoàng" của nước Australia. (Ảnh: Wikipedia.com)

Cóc mía có khả năng tàn phá hệ sinh thái nơi chúng cư trú rất cao. Một con cóc mía trưởng thành có kích thước rất lớn (dài hơn 20 cm, nặng gần 1kg). Cóc mía rất phàm ăn. Chúng ăn thịt tất cả các loại sinh vật mà nó tìm được. Ngoài ra, cóc mía còn cạnh tranh thức ăn, nơi sinh sản với các loài động vật lưỡng cư bản địa, gây mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.

Chính quyền các bang ở Australia bị cóc mía tàn phá đã phải tuyên chiến với loài động vật này. Đặc biệt, ông Peter Beattie, thống đốc bang Queensland đã tuyên bố sẽ trao giải thưởng cả triệu USD cho nhà khoa học nào tìm ra chất độc để tiêu diệt hay kìm hãm sự phát triển của cóc mía.

Gấu trúc Bắc Mỹ


Gấu trúc Bắc Mỹ làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân Đức. 
(Ảnh: cedarcreek.umn.edu)

Gấu trúc Bắc Mỹ được du nhập vào Đức năm 1934 với mục đích nuôi lấy lông. Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, loài động vật này đã thoát ra môi trường tự nhiên và phát triển nhất nhanh.

Gấu trúc Bắc Mỹ có thể sống được ở mọi nơi như trong rừng, nông trại, ngoại ô, nội ô. Là loài động vật ăn tạp nên từ ếch nhái, cá, chuột, chim, hay các loại quả, hạt cây thậm chí là một số loài rắn đều là nguồn thức ăn của chúng.

Xâm nhập vào Đức, gấu trúc sống cả ở các thành phố, thị trấn. Chúng ăn đồ ăn trong thùng rác, ngủ trong ống khói, cống rãnh hay chiếm cứ garage ô tô, gác mái nhà. Một khi đã bị gấu trúc chiếm giữ thì việc đuổi chúng đi là một điều rất khó khăn.

Cá trê trắng


Cá trê trắng là kẻ thù của nhiều loài cá bản địa vùng Floria. (Ảnh: splawik.com.pl)

Cá trê trắng có tên khoa học là Clarias batrachus. Đây là loài cá có nguồn gốc ở Đông Á, trong đó có Việt Nam. Chúng được nuôi để phục vụ nhu cầu thực phẩm.

Năm 1960, chúng du nhập vào Florida và nhanh chóng thích nghi, phát triển một cách mạnh mẽ. Cá trê trắng chính là kẻ thù của rất nhiều loại cá bản địa vùng Florida. Đặc biệt, vào mùa khô, khi chúng bị dồn tập trung lại trong một số các ao hồ thì chúng có khả năng ăn thịt các loài cá bản địa.

Cá vược sông Nile

Năm 1954, cá vược sông Nile được du nhập vào vùng hồ Victoria. Victoria là hồ nước ngọt lớn nhất châu Phi, thứ nhì thế giới nằm trong vùng thuộc biên giới các quốc gia Uganda, Kenya và Tanzania. Hồ có diện tích 69.000 km², chu vi 3.440 km.


200 loài cá bản địa vùng hồ Victoria đã bị tuyệt chủng bởi loài cá vược sông Nile. 
(Ảnh: Marlinnegro.na-web.net)

Cá vược sông Nile cạnh tranh nguồn thức ăn với các loài cá khác trong hồ Victoria, hạn chế sự phát triển của chúng. Ngoài ra, loài cá này cũng ăn thịt các loài cá khác. Sự xuất hiện của cá vược sông Nile trong môi trường hồ Victoria đã khiến có 200 loài cá bản địa biến mất.

Theo Vnexpress
  • 52
  • 5.387