Các nhà khoa học Australia cho rằng không chỉ con người có các giọng nói khác nhau mà loài dơi cũng phát triển các hình thái ngôn ngữ khác nhau, phụ thuộc vào khu vực cư ngụ của chúng.
Đặc điểm trên sẽ giúp con người nhận dạng và bảo vệ các loài dơi khác nhau.
Nhà sinh vật học Brad Law, thuộc Trung tâm Khoa học Rừng, đã phát hiện loài dơi sống trong các cánh rừng dọc bờ biển phía Đông của bang New South Wales có tiếng kêu khác nhau.
Ông Law cho biết từ lâu giới khoa học đã nghi ngờ rằng dơi sử dụng tiếng kêu theo khu vực để phân biệt lãnh thổ. Điều này đã được chứng minh ở một số loài động vật khác, song đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chứng minh được điều này ở loài dơi.
Theo ông Law, tiếng kêu khác nhau của khoảng 30 loài dơi đã được sử dụng để phát triển thành một hệ thống, theo đó các nhà khoa học có thể nhận dạng nhiều loài dơi sinh sống dọc theo bờ biển này, ước tính số lượng và bảo vệ chúng.
Các nhà sinh vật học đã thu thập được 4.000 tiếng kêu của các loài dơi và sử dụng chương trình phần mềm đặc biệt để phát triển các âm điệu nhận dạng tiếng kêu của dơi theo các khu vực khác nhau ở New South Wales.
Thông thường, dơi sử dụng tiếng kêu để tìm đường và săn mồi, trong đó chúng sử dụng một quy trình được gọi là định vị bằng tiếng vang với tần số sóng siêu âm cao mà tai người không thể nghe thấy. Sóng này sẽ đập vào vật thể và dội lại, giúp dơi phát hiện chướng ngại vật hoặc con mồi.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự phát triển của các chìa khoá nhận dạng tự động đối với tiếng kêu của loài dơi vẫn còn trong thời kỳ trứng nước.