Sau cơn mưa, một người đàn ông đã soi đèn đi vào khu có cây cối rậm rạp để tìm rắn ráo (danh pháp hai phần: Ptyas korros) hay còn gọi là rắn lải. Đây là một loài rắn hiền lành, không có nọc độc với mắt tương đối lớn.
Rắn ráo bơi lội và leo trèo rất giỏi. Chúng kiếm ăn vào ban ngày và ngủ trên các cành cây khi đêm xuống, chỉ cần bắt nhẹ nhàng thì những con rắn này sẽ không cắn con người. Tuy nhiên trong lúc bắt, người đàn ông đã phát hiện ra một con rắn cực độc có vẻ ngoài khá giống rắn ráo.
Ông cho biết khi mới vào nghề thì mình cũng thường vồ phải loại rắn hoa cỏ cổ đỏ (tên khoa học là: Rhabdophis subminiatus). Đây là loài rắn có đôi mắt to và ngoại hình khá giống rắn ráo (ngoại trừ màu sắc hoa văn sặc sỡ hơn, nhất là chiếc cổ màu đỏ).
Rắn cổ đỏ khá giống rắn ráo. (Ảnh: Thành Luân)
Tuy nhiên trong đêm tối thì việc phân biệt hai loài rắn này không phải dễ dàng mà những người thiếu kinh nghiệm hoàn toàn có thể bắt nhầm. Rắn cổ đỏ thường bị nhầm là loài rắn vô hại vì không phải ai bị cắn cũng bị nguy hiểm.
Lý do là chúng có răng nanh mọc sau thay vì mọc trước như các loài rắn độc khác, do đó nọc độc chỉ thực sự được tiêm vào người nạn nhân khi con rắn cắn vào những vị trí mà chúng có thể ngoạm cả hàm như ngón tay, hổ khẩu (kẽ giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ)...
Nọc độc của chúng tuy không mạnh bằng cạp nia hay hổ mang chúa nhưng nếu xét về độ nguy hiểm thì rắn cổ đỏ có thể xem là loài rắn nguy hiểm bậc nhất ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia mà loại rắn này phân bố nói chung.
Rắn cổ đỏ có răng nanh sau. (Ảnh: Thành Luân)
Nọc độc của rắn cổ đỏ sẽ khiến nạn nhân chảy máu không ngừng và hiện chưa có huyết thanh kháng độc cho loài rắn này (trong khi các loài rắn độc phổ biến như hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn lục... đều có huyết thanh và pháp đồ điệu trị).
Nọc độc của rắn cổ đỏ gây xuất huyết toàn thân rất nguy hiểm, nặng hơn có thể gây xuất huyết não (mà ngay cả việc lọc máu cũng không có hiệu quả) dẫn đến tử vong.