Được mệnh danh là loài sinh vật “độc” nhất thế giới, nọc độc của ếch phi tiêu khiến hệ thần kinh bị tê liệt, gây tê liệt các cơ và dẫn tới tử vong. Nọc của một con ếch phi tiêu vàng có thể giết chết gần 20 người đàn ông khỏe mạnh hoặc thậm chí 2 con voi đực châu Phi.
Nọc độc không chỉ là vũ khí tự về mà con dùng để tấn công, vô hiệu hóa con mồi trong thế giới động vật. Vượt qua vô vàn đối thủ "nặng ký", sinh vật bé nhỏ này lại chính là sinh vật sở hữu nọc độc đáng sợ nhất thế giới: Sinh vật có thể giết người nhanh nhất!
Đó chính là ếch phi tiêu độc (tên khoa học: Dendrobatidae) là một nhóm các loài ếch trong họ Dendrobatidae chuyên sống ở Trung và Nam Mỹ.
Sở dĩ chúng có tên như vậy vì nọc độc của chúng được thổ dân da đỏ sử dụng để tẩm vào phi tiêu khi săn bắn.
Đứng đầu là ếch phi tiêu vàng (Phyllobates terribilis) ở Colombia, là loài vật độc nhất hành tinh. Chất độc do nó tiết ra có thể giết chết từ 10-20 người đàn ông, hoặc 2 con voi đực Châu Phi. Đặc biệt, da của một số loài thuộc nhóm ếch này chứa chất độc mạnh gấp 200 lần morphine.
Ếch phi tiêu vàng.
Da của chúng tiết ra batrachotoxin, một loại chất độc khiến hệ thần kinh bị tê liệt, gây tê liệt các cơ và dẫn tới tử vong. Nọc của một con ếch phi tiêu vàng có thể giết chết gần 20 người đàn ông khỏe mạnh hoặc thậm chí 2 con voi đực châu Phi.
Loài ếch này có bề ngoài khá rực rỡ và bắt mắt. Tuy nhiên, đừng để vẻ "bắt mắt" đó đánh lừa bởi vì chỉ cần một va chạm nhỏ với da của chúng, tim người có thể ngừng đập nhanh chóng.
So với các loài ếch phi tiêu khác như ếch phi tiêu đen hay ếch phi tiêu nhị sắc, ếch phi tiêu độc Kokoe (Phyllobates aurotaenia) thì độc tính của ếch phi tiêu vàng gấp rất nhiều lần. Điều đáng sợ hơn, nọc độc của chúng có thể tồn tại tới 1 năm!
Nếu lỡ tay chạm vào chúng, điều đó không có nghĩa là bạn có thể bị trúng độc qua da, bởi vì chúng chỉ bài tiết chất độc qua da khi cảm thấy bị đe dọa, tuy nhiên cũng không vì thế mà có thể chạm vào chúng thoải mái.
Tuy là loài ếch bé nhỏ có nọc độc có thể giết chết cả... voi, nhưng tổ tiên của chúng sống cách đây 40 tới 45 triệu năm lại không hề có độc. Sở dĩ chúng có thể tiết nọc độc là do chúng ăn vào các sinh vật có độc tính. Loài ếch bé nhỏ này thường ăn một loài kiến có chứa những phân tử alkaloid độc hại và chúng không lãng phí bất kỳ phần nào của bữa ăn này. Sau khi ăn xong, ếch phi tiêu độc lưu trữ những phân tử độc hại ở trong tuyến của chúng và tổng hợp thành chất độc riêng.
Nhỏ hơn ếch phi tiêu vàng một ít, ếch phi tiêu chân đen hay ếch phi tiêu nhị sắc (Phyllobates bicolor) ở miền tây Colombia giết chết người chỉ với 150 microgram độc tố. Nạn nhân bị trúng độc sẽ sốt, đau đớn, co giật, liệt hô hấp và cơ bắp, rồi chết.
Ếch phi tiêu độc Kokoe (Phyllobates aurotaenia) là ếch độc nhỏ nhất trong chi ếch độc phi tiêu. Chất độc loài ếch này có thể thấm qua vết thương, lỗ chân lông, làm cho nạn nhân đau đớn, sốt, co giật và tê liệt. Thổ dân Colombia thường dùng chất độc của nó để tẩm vào mũi tên săn bắn.
Ếch độc 3 màu (Epipedobates tricolor) chỉ ngắn hơn 1/2 inch nhưng chất độc của nó có thể dễ dàng giết chết động vật săn mồi và con người. Hiện loài ếch này bị đe dọa tuyệt chủng ở Ecuador vì nó đang bị khai thác để làm thuốc giảm đau epibatadine với công dụng mạnh gấp 200 lần morphine.
Tiếp đến, là ếch đốm đen (Ranitomeya variabilis) sống trên cây rừng nhiệt đới ở Ecuador và Peru, có chất độc tiết ra da có thể giết chết 5 người.
Ếch sọc lưng vàng (Phyllobates vittatus) là một trong 4 chi ếch phi tiêu độc nhất. Nhưng chứa ít độc tính hơn, có thể làm đau đớn, co giật nhẹ và thậm chí tê liệt trong một số trường hợp trúng độc.
Ếch phi tiêu độc sọc (Phyllobates lugubris) ở Trung Mỹ có lượng độc tố tương đối thấp từ 0-0,8 microgram nhưng vẫn có khả năng gây suy tim ở các động vật ăn thịt nó.
Tuy không độc chết người như các chi ếch phi tiêu khác, nhưng ếch phi tiêu lưng gù (Dendrobates Azureus) vẫn là loài ếch có độc tính nguy hiểm.
Vẫn thuộc chi ếch phi tiêu độc nổi tiếng, ếch phi tiêu đỏ (Oophaga pumilio) có thể gây sưng và bỏng cho những ai trúng độc.
Ếch độc đỏ đen (Ranitomeya reticulatus) sống ở Peru có độc tính trung bình nhưng có thể giết chết các động vật như gà, làm người bị thương.
Là loài ếch phi tiêu độc lớn thứ 3 với chiều dài khoảng 2 inch, ếch độc nhuộm màu (Dendrobates tinctorius) có rất nhiều màu sắc khác nhau chứa chất độc để tự vệ. Nó được các bộ lạc sử dụng để tẩm mũi tên săn bắn.
Cuối cùng là loài ếch lá khổng lồ (Phyllomedusa bicolor), còn gọi là ếch khỉ, có độc tố nhẹ gây ra cảm giác đau, dạ dày nôn nao dẫn tới ảo giác khi trúng phải. Hiện chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng do một số thành phần độc tính của nó có thể được sử dụng trong điều trị AIDS và ung thư.
Mặc dù biết đây là sinh vật cực độc, nhưng một số người vẫn chọn ếch phi tiêu độc để làm vật nuôi. Bởi vì chất độc của chúng đến từ những gì chúng ăn, nên người nuôi cũng có thể "vô hiệu hóa" một con ếch phi tiêu độc bằng cách cung cấp cho nó một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, trong đó bao gồm côn trùng không độc.
Ngoài ra, sẽ an toàn để xử lý ếch phi tiêu độc nếu nó chỉ ăn những con bọ như ruồi giấm và dế.
Ngược lại, nếu chúng sống ở Hawaii hoặc British Columbia, Canada, ai nuôi ếch phi tiêu độc là phạm luật. Theo đó, luật này được thi hành để bảo vệ ếch phi tiêu độc, đồng thời bảo vệ cả con người.
Hiện nay, do nạn phá rừng, đặc biệt là các khu rừng nhiệt đới nên ếch phi tiêu độc có nguy cơ tuyệt chủng. Môi trường sống của chúng cũng đang bị thu hẹp.
Ếch phi tiêu độc có cách săn mồi rất độc đáo. (Ảnh: Smithsonian).
Thức ăn chính là bí mật ẩn đằng sau chất độc cực mạnh của ếch phi tiêu độc. Thế nhưng điều ngạc nhiên là loài ếch phi tiêu độc lại không dùng độc để săn mồi. Thay vào đó, chúng thường dụ con mồi đến bằng cách gõ ngón chân giữa thon dài xuống đất.
Các nhà khoa học cho rằng những nhịp gõ nhẹ này là cách để giả tiếng mưa nhằm lôi kéo côn trùng đang ẩn náu bước ra. Khi những côn trùng này ra ngoài, chúng sẽ rơi vào miệng ếch.
Ếch phi tiêu độc sẽ phóng chiếc lưỡi dài và dính rồi nuốt chửng con mồi. Đây cũng là bí quyết giúp chúng sở hữu chất độc cực mạnh.
Theo nhà nghiên cứu Fayal Abderemane-Ali tại Viện Nghiên cứu Tim mạch của Đại học California (Mỹ), những con ếch phi tiêu độc và các loài động vật có độc khác có 3 thủ thuật để ngăn chặn quá trình tự nhiễm độc.
Trong đó, thủ thuật phổ biến nhất giúp các loài vật có độc nhưng không bị trúng độc là liên quan tới một đột biến gene làm thay đổi một chút hình dạng của protein mục tiêu của độc tố để độc không thể liên kết với protein.
Chẳng hạn, loài ếch độc Dendrobates tinctorius azureus có mang một chất độc gọi là epibatidine. Đây là chất độc không gây nghiện nhưng rất mạnh. Theo một nghiên cứu vào năm 2017 được công bố trên tạp chí Science, những con ếch độc này đã tiến hoá sự thích nghi trong những thụ thể acetylcholine của chúng để làm thay đổi một chút hình dạng của những thụ thể đó, từ đó giúp chúng có khả năng kháng độc tố.
Thủ thuật thứ hai mà những kẻ săn mồi có độc thường sử dụng là khả năng loại bỏ hoàn toàn chất độc khỏi cơ thể. Đây chỉ là cách khác để động vật tránh bị nhiễm độc bởi những thứ mà chúng ăn.
Thủ thuật thứ ba được gọi là cô lập. Theo đó, động vật sẽ phát triển hệ thống lưu giữ độc tố ở trong cơ thể mà không gây ra bất kỳ vấn đề hay ảnh hưởng nào cho bản thân chúng.