Những khoảnh khắc đáng nhớ trong chương trình tàu con thoi Mỹ

  •  
  • 2.379

Chương trình tàu con thoi Mỹ đã trải qua nhiều giai đoạn bay cao và tụt dốc trong 30 năm qua với những thành tựu và thảm họa đan xen.

>>> Những thảm họa trong không gian

Chương trình này được khai sinh vào năm 1972 với quyết định phát động của Tổng thống Richard Nixon. Một con tàu nguyên mẫu tên Enterprise được xây dựng cho các chuyến bay thử nghiệm song con tàu này không bao giờ bay vào vũ trụ. Columbia trở thành tàu con thoi đầu tiên được phóng vào quỹ đạo vào ngày 12.4.1981 với hai phi hành gia.

Những khoảnh khắc đáng nhớ trong chương trình tàu con thoi Mỹ
Tổng thống Mỹ Richard Nixon (phải) cầm mô hình tàu con thoi trong cuộc gặp với Giám đốc NASA James C Fletcher vào năm 1972 -
Ảnh: Reuters

Sau 5 năm hoạt động, vốn chủ yếu tập trung vào việc phóng các vệ tinh và thực hiện các cuộc thí nghiệm trong vũ trụ, thảm họa xảy ra với việc tàu Challenger phát nổ chỉ 73 giây sau khi cất cánh vào ngày 28.1.1986.

Vụ nổ được vô số người dân Mỹ chứng kiến trực tiếp trên truyền hình, bao gồm cả hàng triệu học sinh, những người bật ti vi để theo dõi cảnh tượng con tàu đưa thầy giáo Christa McAuliffe, 37 tuổi, bay vào không gian. Theo kế hoạch, McAuliffe sẽ là người đầu tiên giảng bài từ vũ trụ.

McAuliffe cùng 6 thành viên phi hành đoàn khác đã bỏ mạng và chương trình tàu con thoi đình lại trong gần ba năm. Nguyên ngân của vụ tai nạn liên hệ đến một vòng đệm bị hỏng trong một tên lửa đẩy.

Tàu con thoi được phóng trở lại vào tháng 9.1988 với chuyến bay của tàu Discovery. Cũng chính con tàu này vào năm 1990 đã mang kính viễn vọng Hubble vào vũ trụ, tạo nên cuộc cách mạng cho sự hiểu biết của con người về thiên văn học.

Những khoảnh khắc đáng nhớ trong chương trình tàu con thoi Mỹ
Tàu con thoi Challenger trong chuyến phóng định mệnh ngày 28.1.1986 - Ảnh: AFP

Giám đốc hiện tại của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Charles Bolden là người đã điều khiển con tàu Discovery thực hiện sứ mệnh lắp đặt kính viễn vọng Hubble.

Vào năm 1993, tàu Endeavour với 7 thành viên phi hành đoàn được giao sứ mệnh sửa chữa một trục trặc tại tấm gương chính của kính viễn vọng và vào đầu năm 1994, những hình ảnh sắc nét đầu tiên từ Hubble được công bố.

Có bốn sứ mệnh bảo dưỡng kính viễn vọng được thực hiện trong các chuyến bay sau đó và chuyến cuối cùng diễn ra vào năm 2009.

Năm 1992, Tổng thống Mỹ George Bush (cha) và Tổng thống Nga Boris Yeltsin ký kết hiệp định về sự hợp tác Nga - Mỹ trong vũ trụ để các phi hành gia Nga có thể bay trên các con tàu vũ trụ Mỹ và các phi hành gia Mỹ có thể làm việc tại Trạm Vũ trụ Mir của Nga.

Mir, một phòng thí nghiệm trên quỹ đạo, hoạt động từ năm 1986 đến 2001, là trạm không gian lớn nhất của thế giới cho đến khi nó được thay thế bởi Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Chuyến bay vào tháng 2.1995 của tàu Discovery đánh dấu sứ mệnh hợp tác Nga - Mỹ đầu tiên. Con tàu đã chở theo một phi hành gia Nga và thực hiện một chuyến bay vòng quanh trạm Mir nhằm chuẩn bị cho sứ mệnh kết nối của tàu Atlantis bốn tháng sau đó.

Atlantis mang theo năm phi hành gia Nga và một phi hành gia Mỹ trong chuyến hành trình lên trạm Mir vào tháng 6 kéo dài sang tháng 7.1995. Tổng cộng có 9 chuyến bay của tàu con thoi đã thực hiện kết nối với phòng thí nghiệm vũ trụ của Nga, mang theo hàng tiếp tế và thiết bị.

Sứ mệnh quan trọng nhất của tàu con thoi đến với việc khởi công xây dựng ISS vào năm 1998.

Bộ phận đầu tiên của ISS - mô-đun Zarya được Nga gửi lên vào tháng 11.1998. Một tháng sau, tàu con thoi Endeavour được phóng đi mang theo mô-đun Unity để lắp ráp với Zarya, đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình xây dựng kéo dài hơn một thập kỷ.

25 chuyến bay của tàu con thoi đã giúp lắp ráp nên tiền đồn của nhân loại trong vũ trụ, một dự án tập hợp 16 quốc gia - gồm Nga, Canada, Nhật, các nước châu Âu, Mỹ - và tốn hơn 100 tỉ USD để xây dựng.

Những khoảnh khắc đáng nhớ trong chương trình tàu con thoi Mỹ
Một buổi lễ tưởng niệm bảy thành viên phi hành đoàn tàu Columbia vào năm 2003 - Ảnh: AFP

Gần hai thập kỷ sau vụ nổ tàu Challenger, khi các chuyến bay của tàu con thoi có vẻ như bình thường trở lại, một thảm kịch mới làm sững sờ nước Mỹ khi tàu Columbia vỡ tan thành từng mảnh ngay trước khi hạ cánh vào năm 2003.

Bảy phi hành gia trên con tàu thiệt mạng khi nó vỡ tan lúc quay trở lại khí quyển. Nguyên nhân được cho là do hư hại từ một mảnh gốm cách nhiệt ở thùng chứa nhiên liệu vốn bật ra và va vào cánh của con tàu trong quá trình cất cánh.

Một lần nữa, chương trình tàu con thoi được đình lại trong hơn hai năm khi NASA thực hiện những thay đổi quyết liệt nhằm mục đích cải thiện lề lối làm việc và sự an toàn trong tổ chức này.

Discovery thực hiện chuyến bay trở lại vào tháng 7.2005 và từ đó đội ba chiếc tàu còn lại - Endeavour, Discovery và Atlantis - tiếp tục bay lên trạm vũ trụ.

Theo NASA, hơn 350 người từ 16 quốc gia đã bay trên tàu con thoi trong 30 năm qua.

Discovery trở thành chiếc tàu đầu tiên “giải nghệ” sau chuyến bay lên ISS vào tháng 2 năm nay. Endeavour bay chuyến cuối cùng của mình vào tháng 5, và Atlantis dự kiến sẽ cất cánh lần sau chót vào ngày 8.7.

Theo TNO (AFP)
  • 2.379