Robot Philae phát hiện dấu hiệu sự sống trên sao chổi

  •   33
  • 4.283

Kết quả phân tích dữ liệu ban đầu cho thấy robot Philae đã phát hiện dấu vết của phân tử hữu cơ chứa nguyên tử carbon, vốn là nhân tố cơ bản của sự sống trên Trái Đất.

Theo Trung tâm Không gian vũ trụ Đức (DLR), thiết bị phân tích khí COSAC trên Philae có thể "ngửi" không khí và phát hiện các phân tử hữu cơ sau khi hạ cánh. Nhóm chuyên gia hiện chưa thể xác định liệu phân tử này có chứa các hợp chất phức tạp cấu tạo nên protein hay không.

Robot Philae phát hiện dấu hiệu sự sống trên sao chổi
Philae đã ở trên bề mặt sao chổi trong 57 giờ, trước khi rơi vào trạng thái "ngủ đông". (Ảnh: Reuters)

Reuters cho hay, một trong những mục tiêu quan trọng của sứ mệnh của Philae là tìm kiếm các hợp chất carbon, thông qua đó tìm hiểu về mối liên hệ giữa sao chổi và sự sống trên Trái Đất.

Trong nhiệm vụ tìm kiếm phân tử hữu cơ, thiết bị đổ bộ đã khoan lên bề mặt sao chổi, nhưng chưa rõ nó có thể chuyển mẫu vật đến hệ thống phân tích COSAC hay không.

MUPUS là công cụ đo mật độ và tính chất nhiệt được trang bị trên robot Philae. Dựa trên kết quả phân tích từ MUPUS, các nhà khoa học nhận định bề mặt sao chổi không "mềm" như suy luận trước đây.

Sau khi đi qua lớp bụi dày 10-20cm, cảm biến nhiệt của Philae có thể đã chạm đến một lớp vật liệu cứng như băng. Phát hiện này khiến các nhà khoa học không khỏi bất ngờ.

Robot thăm dò của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hạ cánh xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko hôm 12/11, sau hành trình kéo dài 10 năm. Sau 57 giờ, Philae rơi vào trạng thái "ngủ đông" vì cạn kiệt năng lượng.

Theo Vnexpress
  • 33
  • 4.283