Khởi động một ngành khoa học mới

  •  
  • 151

TP.HCM đang triển khai kế hoạch phát triển ngành khoa học công nghệ tính toán, đồng thời lên kế hoạch thành lập Viện Khoa học công nghệ tính toán, với mục tiêu khởi động ngay trong năm 2006 để đến năm 2010 cho ra sản phẩm.

Ứng dụng lớn

Bắt đầu từ việc mô phỏng trên máy tính, khoa học công nghệ tính toán (KHCNTT) mang đến những đóng góp rất bất ngờ nhờ khả năng tính toán ngày càng siêu việt của máy tính. Với sự phát triển của ngành KHCNTT, người ta bắt đầu xem xét việc mô phỏng những vấn đề hết sức phức tạp đã xảy ra trong thực tế nhưng không thể tiến hành thực nghiệm, như xem xét các vấn đề hạt nhân, vụ nổ vũ trụ…

Ngoài ra, ứng dụng trong thực tế, việc mô phỏng thường được tiến hành một cách hoàn hảo trên máy tính với những phần mềm được thiết kế riêng, rẻ tiền hơn, dễ quan sát hơn và đôi lúc đầy đủ các trường hợp được đặt ra hơn là tiến hành thực nghiệm.

Chúng tôi đang tiến hành mô phỏng một sáng chế đã không được tiến hành thực nghiệm từ mấy chục năm nay: phá đá bằng sức ép của nước. Giải pháp này được mô tả đơn giản là khoan một lỗ vào trong khối đá núi cần lấy, và dùng piston ép mạnh nước vào liên tục.

Một công ty tại Mỹ đã thuê chúng tôi mô phỏng sáng chế này, yêu cầu chúng tôi tính toán xem họ có thể sử dụng sáng chế này thay cho cách lấy đá bằng thuốc nổ hiện nay không
”, GS-TS Trần Công Thành nói về một trong những trường hợp ứng dụng của KHCNTT trong cuộc sống.

Thực tế, theo giáo sư Thành, từ việc thiết kế một cây cầu, tính toán về sức chịu đựng của nó ở từng điểm, trong những điều kiện thời tiết khác nhau đến việc sản xuất một thiết bị nhựa, tính toán từng thời điểm nhựa chảy vào khuôn, áp lực từng thời điểm như thế nào… tất cả đều có thể tiến hành mô phỏng trên máy tính, đem lại hiệu quả nghiên cứu ứng dụng cao với một chi phí ít tốn kém.

Trong lĩnh vực sinh học, sự ứng dụng của KHCNTT quen thuộc đến mức người ta gọi nó là tin sinh học, nghiên cứu từ những thí nghiệm được mô phỏng trên máy tính. Hàng loạt các nghiên cứu thành công về gene và cấu trúc protein có đóng góp không nhỏ của thực nghiệm trên máy tính.

Ứng dụng của KHCNTT ngày càng phong phú, và Hội đồng Nghiên cứu khoa học Mỹ khẳng định ngành này sẽ là yếu tố chính hỗ trợ nghiên cứu khoa học ở thế kỷ 21. Còn với Ban chính sách khoa học và công nghệ của Tổng thống Mỹ, đây sẽ là vấn đề bức thiết trong mục tiêu dẫn đầu khoa học, cạnh tranh kinh tế và an ninh quốc gia.

Bài toán của TP.HCM

10 năm trước, khi tôi đi dự những cuộc gặp mặt của các nhà KHCNTT trên toàn thế giới, thường có hơn 30 nhà khoa học tham gia, không có người Việt Nam đang sống ở Việt Nam, không có người Trung Quốc. Mới đây nhất, trong một cuộc hội thảo tại Trung Quốc đã có hơn 8.000 nhà khoa học tham gia, trong đó hơn 800 nhà khoa học của Trung Quốc. Vẫn không có một nhà khoa học Việt Nam nào đang sống tại Việt Nam tham dự”, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều sống và làm việc tại Bỉ, buồn rầu nói về sự chậm chạp của Việt Nam trong ngành khoa học mới này.

Trước thực trạng đó, việc phát triển KHCNTT mà trước mắt là mục tiêu lập một Viện Nghiên cứu KHCNTT đang là đề tài tâm huyết của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. Trước mắt là việc phối hợp các giáo sư kiều bào giỏi và có tâm huyết, lên các chương trình đào tạo nguồn nhân lực.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “TP.HCM sẽ cung cấp ngân sách trong giai đoạn đầu cho Viện Nghiên cứu KHCNTT. Tôi hy vọng rằng sau khoảng hai năm đầu, vừa học vừa nghiên cứu, thì viện sẽ cho ra những sản phẩm đầu tiên. Mọi việc sẽ được triển khai trong năm 2006 này, tôi đã hứa với các nhà khoa học, tiền cấp cho dự án này sẽ có ngay khi cần thiết”.

Theo GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, một lợi thế của TP.HCM hiện nay là sự góp sức của các nhà khoa học kiều bào. Nguồn trí thức trong nước phối hợp với những nhà khoa học hàng đầu này, hứa hẹn một bước khởi đầu tốt, để hy vọng rằng chúng ta sẽ có một Viện Nghiên cứu KHCNTT hàng đầu khu vực trong thời gian tới.

Theo Sài Gòn giải phóng
  • 151