Nỗ lực đính chính rằng "Bốt Hàng Đậu" không phải là "Tháp nước Hàng Đậu" dường như đã muộn. Công chúng có quá nhiều năm đọc nhầm tên và đang chấp nhận sự nhầm lẫn này.
Người Hà Nội đã quen dùng từ "bốt" để chỉ công trình tháp nước cổ thời Pháp xây trên phố Hàng Đậu. Cách gọi này tồn tại bất chấp tấm biển gắn tên công trình đã ghi rõ "Tháp nước Hàng Đậu - Château d'Eau Hang Dau".
Đến khi công trình bỗng nổi tiếng vì kế hoạch mở cửa đón khách, cách gọi "Bốt" và "Tháp nước" vẫn được các mặt báo sử dụng lẫn lộn, không thống nhất. Vậy cách gọi đúng là gì?
Chia sẻ với phóng viên, tác giả Nguyễn Trương Quý, nhà nghiên cứu Hà Nội, khẳng định Bốt Hàng Đậu và Tháp nước Hàng Đậu là 2 công trình riêng biệt, phục vụ 2 chức năng khác nhau.
Vị trí Bốt Hàng Đậu (nay là trụ sở Công an phường Đồng Xuân) và Tháp nước Hàng Đậu. (Ảnh: Ngọc Tân)
Bốt Hàng Đậu ngày nay là trụ sở Công an phường Đồng Xuân, nằm ở đầu phố Hàng Giấy, đối diện Tháp nước Hàng Đậu.
Theo anh Nguyễn Trương Quý, từ "bốt" bắt nguồn từ chữ "poste" trong tiếng Pháp, nghĩa là đồn, trạm. Poste de garde là trạm gác, nơi đồn trú của binh lính, cảnh sát.
Thời Pháp thuộc, Bốt Hàng Đậu cùng với Bốt Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm) là 2 "sở cẩm" lớn nhất Hà Nội. Trên các bản đồ cũ, 2 địa điểm này được chú thích là Commissariat de Police (đồn cảnh sát).
Hàng hiên đặc trưng của sở cẩm Hàng Đậu còn xuất hiện trong nhiều ảnh tư liệu.
"Mọi người gọi Bốt Hàng Đậu để chỉ đồn cảnh sát rồi lấy luôn tên này để gọi tháp nước ở bên cạnh. Cũng bởi nhìn vào hình dáng, kiến trúc thì dễ liên tưởng đến đồn bốt", tác giả Nguyễn Trương Quý chia sẻ.
Theo nhà nghiên cứu, Tháp nước Hàng Đậu là công trình phục vụ cấp nước cho thành phố. Trên bản đồ thời Pháp, nó được chú thích là "Château d'Eau" (tháp nước).
Khi xây dựng nhà máy nước Yên Phụ vào năm 1894, người Pháp cũng đồng thời xây dựng 2 tháp nước "song sinh" tại Hàng Đậu và Đồn Thủy để trữ nước từ nhà máy và chuyển đến các khu dân cư qua hệ thống ống dẫn.
"Tôi chưa thấy tư liệu nào nói tháp nước này từng phục vụ như một "bốt lính" hay công trình phòng thủ", tác giả Nguyễn Trương Quý khẳng định.
Bản đồ Hà Nội năm 1920 chú thích rõ 2 vị trí Tháp nước (Château d'Eau) và Bốt cảnh sát (Commissariats de Police) trên phố Hàng Đậu.
Bày tỏ quan điểm về sự nhầm lẫn cách gọi "Bốt Hàng Đậu" và "Tháp nước Hàng Đậu" hiện nay, tác giả Nguyễn Trương Quý khẳng định "sai thì phải sửa" và mong muốn truyền thông góp phần minh định lại tên gọi.
"Thay đổi là khó nhưng thông thường các cách gọi trong dân gian chỉ tồn tại một thời gian rồi có thể điều chỉnh dần", nhà nghiên cứu kỳ vọng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý. (Ảnh: NVCC).
Cửa ô Hàng Đậu xưa Tư liệu thời Pháp ghi phố Hàng Đậu là "Marchands de Haricots" (nhà buôn các loại đậu) hoặc Rue de graines (phố của các loại hạt). Ngày nay, phố Hàng Đậu dài khoảng 270m, là đường ranh giới giữa quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Đầu phố quay mặt ra bến sông Hồng. Từ đó đi dọc theo bờ sông là một loạt phố hàng bán lương thực như Hàng Khoai, Chợ Gạo, Hàng Chĩnh, Hàng Muối... Trong một bài nghiên cứu nhan đề "Hà Nội từng có 21 cửa ô", tác giả Nguyễn Trương Quý khẳng định Ô Hàng Đậu là một trong số đó. Cửa ô còn có tên khác là Ô Nghĩa Dũng hay ô Phúc Lâm (chỉ tên thôn Phúc Lâm xưa). Cửa ô Hàng Đậu thông thẳng ra bến sông Hồng, nơi các thương nhân vận chuyển hàng hóa từ bến sông vào Kẻ Chợ. |
Hà Nội lần đầu mở cửa cho du khách tham quan tháp nước Hàng Đậu
Từ 17/11 đến 31/12/3023, không gian bên trong tháp nước Hàng Đậu sẽ được cải tạo, tổ chức trưng bày để người dân đến tham quan.
Hoạt động trên nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 do Sở Văn hóa - Thể thao thành phố, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức.
Công trình được xây dựng vào năm 1894, là một trong những công trình kiến trúc cổ của Hà Nội do người Pháp xây dựng nhằm phục vụ việc cung cấp nước sạch cho binh lính và công dân của họ trong thời gian Pháp đô hộ tại Hà Nội, cùng với việc xây dựng Nhà máy nước Yên Phụ.
Phối cảnh thiết kế bên trong tháp nước Hàng Đậu. (Ảnh: BTC).
Sau nhiều năm “ngủ quên”, tháp nước Hàng Đậu được các kiến trúc sư, chuyên gia cải tạo, tổ chức trưng bày Không gian sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu.
Không gian trưng bày trong bốt bao gồm: hệ sắp đặt âm thanh tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên; hệ sắp đặt ánh sáng với những hình ảnh nhấn mạnh tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên. Qua đó, các tác giả muốn truyền tải tới công chúng vai trò của nước trong cuộc sống cũng như sự gắn kết giữa con người với tự nhiên. Đây cũng là cơ hội để du khách khám phá vẻ đẹp bên trong của công trình kiến trúc này.