Những thảm họa do sai lầm vaccine thế kỷ 20

  •  
  • 725

Ngày 12/4/1955, chính phủ Mỹ công bố vaccine đầu tiên phòng bệnh bại liệt, mà không biết lô hàng chứa virus bại liệt sống khiến 40.000 đứa trẻ mắc bệnh.

Việc vội vàng phê duyệt một loại vaccine chưa được chứng minh đầy đủ về độ an toàn và hiệu quả từng khiến các đợt dịch bệnh không đáng có bùng lên tại Mỹ.

Ngày 27/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ vạch ra kịch bản phê duyệt vaccine Covid-19 vào tháng 11 năm nay. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cũng cân nhắc chấp thuận khẩn cấp đối với các "ứng viên" thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.

Để được FDA cấp phép một loại vaccine, các nhà khoa học phải thu thập đầy đủ dữ liệu thông qua thử nghiệm lâm sàng, với số tình nguyện viên lớn để chứng minh sản phẩm an toàn và hiệu quả. Sau đó, các chuyên gia mất nhiều tháng liền để đánh giá.

Nếu quá vội vàng, kết quả để lại không mấy tốt đẹp. Điều này từng được chứng minh trong quá khứ.

Lô vaccine bại liệt bị lỗi

Ngày 12/4/1955, chính phủ Mỹ công bố loại vaccine đầu tiên phòng bệnh bại liệt ở trẻ nhỏ. Chỉ sau vài ngày, các phòng thí nghiệm khắp cả nước bắt tay sản xuất hàng nghìn lô vaccine. Những lô hàng ngày vô tình chứa virus bại liệt sống, gây ra một đợt bùng phát diện rộng.

Khi ấy, hơn 200.000 trẻ em được tiêm chủng.

Tiến sĩ Howard Markel, giáo sư nhi khoa, giám đốc Trung tâm Lịch sử Y học, cho biết: "40.000 trẻ em mắc bại liệt. Một số chỉ bị bệnh nhẹ, hàng trăm em khác liệt vĩnh viễn, khoảng 10 trẻ tử vong".

Trẻ em tại Pakistan được uống vaccine bại liệt, ngày 20/7.
Trẻ em tại Pakistan được uống vaccine bại liệt, ngày 20/7. (Ảnh: Reuters).

Chính phủ Mỹ lập tức đình chỉ chiến dịch chủng ngừa cho đến khi xác định vấn đề xảy ra.

Tuy nhiên, các chương trình giám sát chặt chẽ sau đó không phát hiện một hiểm họa khác của lô vaccine bại liệt. Từ năm 1955 đến 1963, khoảng 10% đến 30% số liều tiêm bị nhiễm virus simian 40 (SV40) - mầm bệnh gây ung thư.

"Virus phát triển trên mô khỉ (dùng để thử nghiệm vaccine). Những con khỉ này được đưa vào từ Ấn Độ, số lượng khoảng hàng chục nghìn con. Chúng bị nuôi nhốt trong lồng ở điều kiện không lý tưởng. Có những con chết trên đường đi, nhiều con nhiễm bệnh và virus lây lan nhanh chóng", S. Lochlann Jain, một chuyên gia nhân chủng học, giải thích.

Các nhà khoa học nghĩ rằng chất formaldehyde họ sử dụng trong phòng thí nghiệm có thể tiêu diệt mầm bệnh. Song họ đã sai lầm. Virus từ vaccine lây lan sang hàng triệu người Mỹ.

Vụ việc sau đó đã được giải quyết ổn thỏa. CDC nhấn mạnh hiện không có vaccine bại liệt nào chứa SV40.

Dịch cúm "chưa từng xuất hiện"

Năm 1976, các nhà khoa học Mỹ dự đoán về một đại dịch mới trong tương lai, được gọi là "cúm lợn". Hơn 40 năm sau, một số sử gia y khoa gọi đây là "đại dịch chưa từng xuất hiện".

"Về cơ bản, cố vấn của Tổng thống Gerald Ford cho rằng cả nước sắp trải qua đại dịch tồi tệ ngang với cúm Tây Ban Nha. Ông Ford được khuyến khích phê duyệt một loại vaccine điều chế vội vàng. Khi đang gặp phải tình huống căng thẳng, họ hành động cực nhanh chóng", Michael Kinch, giáo sư tại Đại học Washington, cho biết.

Chính phủ Mỹ đã khởi động chương trình tiêm vaccine bắt buộc. Theo CDC, 40 triệu người đã được chủng ngừa cúm lợn chỉ trong 7 tháng. Nhiều người sau đó mắc chứng rối loạn thần kinh, còn gọi là hội chứng Guillain-Barre, có thể phát triển khi nhiễm trùng, hiếm khi xảy ra sau tiêm vaccine sống.

Trẻ em tại Mỹ được tiêm vaccine phòng cúm năm 2013.
Trẻ em tại Mỹ được tiêm vaccine phòng cúm năm 2013. (Ảnh: Reuters).

CDC cho biết tỷ lệ gặp biến chứng Guillain-Barre ở những người tiêm vaccine cúm lợn khi ấy là một trên 100.000 người. Do đó, Mỹ đã dừng chương trình để điều tra.

"Đó là một sự thất bại. Tin tốt là chưa bao giờ có "cúm lợn" xảy ra ( Mỹ). Chúng tôi an toàn, nhưng điều này nhắc nhở những rủi ro tiềm tàng", tiến sĩ Howard Markel nói.

Dù vậy, hiện nay, vaccine vẫn là một trong những chế phẩm sinh học an toàn nhất trên thế giới. Hàng năm, vaccine bại liệt đã bảo vệ hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới khỏi các biến chứng vĩnh viễn như liệt tủy sống, liệt hành tủy, suy hô hấp... Nhờ các chương trình tiêm chủng chủ động, nhiều quốc gia trên thế giới đã xoá sổ hoàn toàn mầm bệnh từng được coi là nỗi ám ảnh ở thập niên 50.

Khi Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các chuyên gia cũng cho rằng vaccine là chìa khóa duy nhất đưa nhân loại thoát khỏi đại dịch đã kéo dài gần 9 tháng. Nga và Trung Quốc mới đây đã phê duyệt khẩn cấp những vaccine đầu tiên ngừa nCoV. Cả hai đều được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong thử nghiệm giai đoạn một và hai. Chương trình tiêm chủng tại hai nước cũng hoàn toàn tự nguyện.

Cập nhật: 08/09/2020 Theo VnExpress
  • 725