Nước thải Hà Nội gây ô nhiễm sông Nhuệ

  •  
  • 1.157

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ trong tháng 12/2006, sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm chủ yếu là do nước thải từ Hà Nội...

Xả nước thải vào nguồn nước. (Ảnh từ website Bộ Tài nguyên-Môi trường)

Tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trong bản tin phát đi ngày 23/12, nước lưu vực ở hai con sông là sông Nhuệ và sông Đáy, nhất là sông Nhuệ bị suy giảm là do nhận được nước thải của thành phố Hà Nội và Hà Tây.

Trong đó, nước thải đổ ra sông chủ yếu là từ TP. Hà Nội, chiếm đến hơn một nửa (54%). Còn nước thải từ Hà Tây chỉ chiếm một ít, 17%.

TTXVN dẩn nguồn từ kết quả thanh tra sông Nhuệ, trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ trong tháng 12/2006. Hiện trên sông Nhuệ, sông Đáy đang tập trung dày đặc các khu công nghiệp và cơ sở sản xuất. Con số đưa ra là 8 khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), với 157 dự án, 266 cơ sở lớn, 358 làng nghề.

Ngoài ra, hai con sông này còn phải hứng chịu nhiều nguồn nước thải khác phát sinh từ khu dân cư, du lịch, nhà hàng, các cơ sở y tế, các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, giao thông thủy...

Tất cả nguồn phát thải này đều chưa được thu gom. Tổng khối lượng nước thải tống ra sông Nhuệ và sông Đáy là hơn 28.500 m3/ngày đêm. Trong đó, hơn 96 % là nước thải công nghiệp. Theo ghi nhận của Bộ Tài nguyên-Môi trường, hiện chỉ có 11 cơ sở tống nước thải ra sông là có xử lý đạt Tiêu chuẩn Việt Nam.

Điều đáng buồn là, "Chỉ có một nửa trong số 8 KCN, CCN đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Nhưng chính các KCN, CCN này cũng không thực hiện theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Chỉ có mỗi KCN vừa và nhỏ Cầu Giấy đang xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung"
- TTXVN cho biết.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trên lưu vực đưa ra lộ trình khắc phục các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Ngọc Lan

Theo VietNamNet
  • 1.157