Phát hiện hành tinh khác thường sắp tiến gần Mặt trời

  •  
  • 773

Các nhà thiên văn học ghi nhận một hành tinh nhỏ sắp tới gần Mặt trời nhất trên quỹ đạo kéo dài hơn 600.000 năm.

Quỹ đạo của 2014 UN271.
Quỹ đạo của 2014 UN271. (Ảnh: JPL).

Vật thể mang số hiệu 2014 UN271 được phát hiện gần đây từ dữ liệu của chương trình Khảo sát vật chất tối thu thập từ năm 2014 đến 2018. Nó có kích thước ước tính 100 - 370 km. Nếu là một sao chổi, đặc biệt đối với một vật thể đến từ rìa ngoài Hệ Mặt trời.

"2014 UN271 có kích thước lớn ngang sao chổi khổng lồ Sarabat hay còn gọi là C/1729 P1, vật thể lớn nhất trong đám mây Oort từng được tìm thấy, gần như có thể xếp vào danh mục hành tinh lùn", nhà thiên văn học nghiệp dư Sam Deen cho biết.

Điều đặc biệt nhất về 2014 UN271 là quỹ đạo của nó quanh Mặt trời vô cùng khác thường. Vật thể di chuyển giữa vành trong hệ Mặt trời và đám mây Oort, men theo không gian liên sao theo chu kỳ 612.190 năm.

Các nhà thiên văn học sắp chứng kiến 2014 UN271 tới gần Mặt trời nhất. Hiện nay, vật thể ở cách Mặt trời khoảng 22 đơn vị thiên văn (AU). Một AU bằng khoảng cách giữa Mặt trời và Trái Đất (149.597.870,7 km). Điều đó có nghĩa nó ở gần Mặt trời hơn sao Hải Vương (29,7 AU). 2014 UN271 đã vượt qua quãng đường 7 AU trong 7 năm qua và sẽ đến gần ngôi sao nhất năm 2031, ở khoảng cách 10,9 AU, gần tới quỹ đạo sao Thổ. Trước đó, nó sẽ hình thành vệt đuôi sao chổi do vật chất đóng băng trên bề mặt bốc hơi dưới sức nóng của Mặt trời.

Deen ước tính 2014 UN271 sẽ sáng ngang sao Diêm Vương trên bầu trời đêm. Sau khi lướt qua Mặt trời, nó sẽ tiếp tục hành trình tiến về phía đám mây Oort và dần đạt tới khoảng cách 60.000 AU.

Cập nhật: 23/06/2021 Theo VnExpress
  • 773