Ra mắt bản đồ Vmap của Việt Nam, hiện chi tiết từng số nhà

  •  
  • 2.707

Bản đồ số Vmap tập trung vào việc xây dựng nguồn dữ liệu và địa chỉ của người dùng Việt Nam chi tiết hơn các nền tảng hiện có.

Ngày 1/10, hai sản phẩm nổi bật từ đề án "Phát triển hệ tri thức Việt số hóa", do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đã được chính thức ra mắt.

Bản đồ số Vmap do Bưu điện Việt Nam chủ trì phát triển tập trung vào xây dựng nguồn dữ liệu và địa chỉ của người dùng Việt Nam. So với một số nền tảng bản đồ và định vị có sẵn, Vmap hiển thị các lớp bản đồ riêng, cùng khả năng hiển thị địa chỉ chi tiết từng số nhà dù ở thành thị hay miền núi, vùng sâu vùng xa.

Bản đồ Vmap hiện hoạt động trên nền web, sắp có phiên bản ứng dụng cho smartphone.
Bản đồ Vmap hiện hoạt động trên nền web, sắp có phiên bản ứng dụng cho smartphone.

Theo đơn vị phát triển, đã có 120.000 nhân viên bưu điện và đoàn viên, thanh niên trực tiếp đi thu thập thông tin trong 3 tháng, tạo ra hơn 23,4 triệu dữ liệu địa chỉ trên cả nước. Dữ liệu này có thể được ứng dụng trong kinh doanh như cung cấp cho các đơn vị giao hàng, ứng dụng trên các hệ thống khác.

Hiện tại, Vmap mới chỉ sử dụng được trên nền web, chưa ra mắt ứng dụng trên các hệ điều hành smartphone.

Bên cạnh dự án Vmap, một dự án khác trong đề án là iNhandao cũng được giới thiệu. Đây là dự án do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì, sử dụng địa chỉ số từ bản đồ Vmap để xây dựng dữ liệu các địa chỉ nhân đạo nhằm cung cấp thông tin chính xác.

Mục tiêu của việc xây dựng dữ liệu là giúp cho hoạt động của các nhà tài trợ đảm bảo đến đúng đối tượng, minh bạch, rõ ràng.

Tại buổi ra mắt, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết điều đáng mừng nhất là tuy mới ở giai đoạn 1, những sản phẩm này đã được cộng đồng đón nhận và bắt đầu ứng dụng trong thực tiễn.

"Tôi và nhiều anh em cùng tham gia đề án Tri thức Việt số hóa giai đoạn đầu rất vui vì hạt giống chia sẻ tri thức, kết nối cộng đồng, cổ vũ sáng tạo mà chúng tôi tâm huyết gieo cách đây hơn 1 năm đã bắt đầu nảy mầm", Phó thủ tướng cho biết.

Phó thủ tướng cũng cho biết quá trình phát triển các sản phẩm trong hệ thống iTrithuc còn rất dài. Trong tương lai, những sản phẩm như iNhandao có thể được ứng dụng để kết nối giữa người hỗ trợ và nhận sự hỗ trợ, để không chỉ trợ giúp về vật chất mà còn cả thời gian, kiến thức.

Cập nhật: 02/10/2019 Theo Zing
  • 2.707