Sự sống ngoài hành tinh "ẩn náu" trên các mặt trăng xa chúng ta?

  •  
  • 1.935

Các nhà khoa học cho biết đã xác định được hơn 100 hành tinh khổng lồ bên ngoài Hệ mặt trời nhiều khả năng chứa các mặt trăng có thể có sự sống.

"Hiện tại có 175 mặt trăng được biết là quay quanh tám hành tinh trong Hệ mặt trời của chúng ta", Stephen Kane - giáo sư tại Đại học California, Riverside, Mỹ cho biết trong bài báo đăng trên tạp chí Astrophysical Journal.

“Trong khi hầu hết các vệ tinh này quay quanh sao Thổ và Sao Mộc - nằm ngoài vùng có thể ở được của Mặt Trời, thì ở các Hệ mặt trời khác mọi thứ có thể không phải như vậy”, Kane nói.

Cùng với các nhà nghiên cứu từ Đại học Southern Queensland ở Úc, nhóm của giáo sư Kane đã xác định được 121 hành tinh khổng lồ có quỹ đạo nằm trong vùng có thể sống được của các ngôi sao của chúng.

Các nhà khoa học hi vọng sẽ sớm tìm thấy các ngoại hành tinh có thể hỗ trợ cho sự sống
Các nhà khoa học hi vọng sẽ sớm tìm thấy các ngoại hành tinh có thể hỗ trợ cho sự sống - (Ảnh: NASA).

Với kích thước gấp ba lần bán kính Trái đất, các hành tinh khí này ít phổ biến hơn các hành tinh đất (đá) nhưng được kỳ vọng sẽ có nhiều mặt trăng cỡ lớn, trong đó có những mặt trăng đá có thể chứa đựng sự sống.

Theo Science Daily, kể từ khi kính viễn vọng Kepler của NASA đi vào hoạt động năm 2009, các nhà khoa học đã xác định hàng ngàn hành tinh bên ngoài Hệ mặt trời được gọi là ngoại hành tinh.

Nhiệm vụ chính của Kepler là xác định các hành tinh nằm trong những vùng có thể sống được của các ngôi sao của chúng - có nghĩa là nó không quá nóng hoặc quá lạnh đối với nước lỏng - và có khả năng tồn tại sự sống.

Mục tiêu hàng đầu của công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất là các hành tinh đất (đá), bởi một số trong chúng có thể tương đồng về mặt địa chất và khí quyển với Trái đất. Một nơi khác cũng được giới khoa học xem xét là các hành tinh khí khổng lồ.

Dù không phải là một ứng cử viên trong hành trình tìm kiếm sự sống, những hành tinh giống sao Mộc cũng được hi vọng có chứa các mặt trăng đá - được gọi là ngoại mặt trăng, có thể hỗ trợ cho sự sống.

Các nhà khoa học suy đoán các ngoại mặt trăng có thể cung cấp môi trường thuận lợi cho sự sống, thậm chí tốt hơn so với Trái đất. Tuy nhiên cho đến nay chưa có ngoại mặt trăng nào được xác nhận.

Phát hiện của các nhà khoa học Mỹ và Úc được kỳ vọng sẽ mở đường cho việc thiết kế các kính viễn vọng tương lai nhằm giúp tìm ra các ngoại mặt trăng tiềm năng và tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống, được gọi là biosignature, trong khí quyển của chúng.

Cập nhật: 18/06/2018 Theo Tuổi Trẻ
  • 1.935