Trò chuyện với nhà khoa học Barry J. Marshall

  •  
  • 567

(Ảnh: TTO)
Nhà khoa học Barry J. Marshall người Úc đã nhận giải thưởng Nobel y học 2005 tại Stockholm (Thụy Điển) cùng đồng nghiệp, tiến sĩ Robin Warren. Ông đã đồng ý một cuộc chuyện trò cởi mở với Tuổi Trẻ (dẫu chỉ là qua mạng) về sự dấn thân, về lý tưởng của một nhà khoa học.

Con đường khoa học

* Giải Nobel ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật và sự nghiệp khoa học của ông như thế nào? Cảm giác của ông lúc nhận tin về giải thưởng này ra sao?

Barry J.MarsHall  sinh ngày 30-9-1951, hiện là nhà nghiên cứu, giảng viên cao cấp và bác sĩ tại The University of Australia, một trong những trường ĐH lớn nhất ở Úc.

Từ năm 1982, cùng với tiến sĩ Robin Warren, ông bắt đầu nghiên cứu về vi khuẩn Helicobacter trong căn bệnh viêm loét dạ dày.

Thế nhưng đó không phải là một con đường dễ dàng vì kiểu phán đoán “vi khuẩn Helicobacter là nguyên nhân của bệnh viêm loét dạ dày” đã từng bị coi là một ý tưởng điên rồ. Mọi lý thuyết lúc ấy đều cho rằng “vi khuẩn không thể sống trong môi trường acid của dạ dày”.

Hai ông vẫn kiên tâm với định hướng của mình cho đến khi thành công vượt bậc bằng giải thưởng cao quí nhất: giải Nobel y học năm 2005. Trong ảnh: Marshall (trái) và Warren chia vui khi nhận giải Nobel tại phòng hòa nhạc ở Stockholm, Thụy Điển ngày 10-12-2005.

- Barry J.MarsHall: Đó là một cảm giác thật lạ khi đột nhiên mình đã đạt được đến mục tiêu cao nhất trong nghiên cứu khoa học. Lúc đó tôi nghĩ: “Ồ, điều này tuyệt vời quá. Nhưng mình sẽ làm gì tiếp đối với phần đời còn lại đây nhỉ?”. Nhưng thực tế đó không phải là điều khó để quyết định bởi vì tôi vẫn hứng thú với việc tiếp tục nghiên cứu về Helicobacter. Vì vậy, tôi sẽ tiếp tục công việc của mình, và đó cũng chính là sở thích, niềm đam mê, thú vui giải trí của tôi.

* Điều gì đã dẫn ông đến với quá trình nghiên cứu Helicobacter?

- Việc nghiên cứu Helicobacter bắt đầu khi tiến sĩ Warren chỉ cho tôi xem những vi khuẩn dưới kính hiển vi. Tôi đã tán đồng quan điểm với anh ấy rằng những vi khuẩn này rất bất thường bởi số lượng rất nhiều, chứng tỏ chúng đã sống trong dạ dày của những người bệnh, chứ không phải chỉ là những vi khuẩn của môi trường bên ngoài.

Đây là một quan sát rất đặc biệt bởi lúc bấy giờ các sách y học đều nói rằng dạ dày là vô trùng và vi khuẩn không thể sống nổi trong môi trường acid của dạ dày. Do đó, tôi đã rất phấn khích với viễn cảnh khám phá được một loại vi khuẩn mới và có bài nghiên cứu mới trên một tạp chí khoa học chuyên ngành.

Mặc dù lúc bấy giờ tôi đã định hướng trở thành bác sĩ đa khoa, nhưng tôi vẫn cảm thấy một bài viết nghiên cứu chuyên ngành sẽ rất tốt cho mình trước khi toàn tâm dồn thời gian cho nghề bác sĩ. Và vì thế, sự nghiệp của tôi đã đổi hướng một cách rất thú vị, chuyển hẳn sang việc nghiên cứu về những bệnh lây nhiễm và chuyên khoa dạ dày. Tuy nhiên, hiện nay tôi vẫn tiếp tục làm bác sĩ điều trị.

* Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhóm nghiên cứu được trao giải Nobel. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của làm việc nhóm đối với tiến trình nghiên cứu khoa học?

- Làm việc nhóm rất cần thiết trong nghiên cứu khoa học, tuy nhiên phần ý tưởng sáng tạo lại thường được phát kiến từ một hoặc hai người. Những người đóng vai trò chính trong quá trình đồng nghiên cứu có thể công bố nghiên cứu của mình một cách độc lập nhưng vẫn phải công nhận công khai những đóng góp của người khác.

Thông thường những người đồng nghiên cứu của một công trình có thể trở thành đồng tác giả đối với những công trình nghiên cứu sau đó. Cũng có những lúc quan điểm của chúng tôi không thật trùng nhau. Những khi đó, điều quan trọng là phải khiêm tốn, chân thành và phải thỏa hiệp để tìm tiếng nói chung ở những điểm cần thiết.

Thực tế việc lấy bản thân mình thí nghiệm để chứng minh Helicobacter gây viêm loét dạ dày chỉ là giải pháp cuối cùng sau sáu tháng cố gắng thử nghiệm không thành công trên cơ thể lợn. Đây là một thí nghiệm được chuẩn bị, lập kế hoạch rất kỹ lưỡng và cho kết quả rất thành công. Quả thật, tôi thậm chí đã không nhận ra rằng hiện nay chi tiết này lại nổi tiếng trên thế giới đến thế.

* Hiện tại ông đang nghiên cứu về những gì? Ông dự định làm gì trong tương lai?

- Tôi đang tiếp tục nghiên cứu về Helicobacter. Tôi chuẩn bị lập một công ty mới về nghiên cứu văcxin. Tôi cũng dự định nghiên cứu lại về gen nếu có thời gian rảnh.

* Theo ông, điều gì là quan trọng đối với sự nghiệp nghiên cứu khoa học? Giới trẻ Việt Nam ngày nay nhiều người nghĩ rằng nghiên cứu khoa học không thực tiễn bằng việc làm kinh doanh. Theo ông, nên làm gì để khuyến khích giới trẻ đam mê nghiên cứu khoa học hơn?

- Theo tôi, điều quan trọng nhất với khoa học là sự tò mò và niềm đam mê. Nhưng bạn không thể có được những khám phá mới nếu bạn không nắm vững được những kiến thức nền của lĩnh vực nghiên cứu. Do đó cần có một vài năm học hỏi và đúc rút kinh nghiệm trước khi bắt đầu tập trung vào sự nghiệp nghiên cứu và tìm kiếm những phát hiện mới trong một lĩnh vực mới.

Đồng thời trên con đường đi đến thành công, những cạnh tranh mang tính thi đua và một chút khó khăn thử thách nho nhỏ cũng khá quan trọng cho người nghiên cứu. Điều này sẽ khuyến khích họ nỗ lực cao hơn để tìm ra cho mình một con đường hoàn toàn mới lạ, mang phong cách khác so với những người khác.

Có thể nhiều người sẽ nói là bạn quá mê công việc, nhưng nếu bạn dành thời gian rảnh để làm việc hoặc nghiên cứu những điều mình thật sự yêu thích, bạn sẽ thấy nó rất thú vị và cảm nhận rằng đó là một thú vui giải trí hơn là một ngày làm việc mệt nhọc. Ví dụ, tôi từng nghiên cứu về dạ dày của mèo trong nhà xe của mình vào những dịp cuối tuần. Tôi thường chụp hình chúng và làm thí nghiệm hóa học khác nữa... Điều này rất hữu ích mặc dù không liên quan trực tiếp đến công việc chính của tôi.

Về đòn bẩy khuyến khích nghiên cứu ở VN, theo tôi, một trong những ưu tiên là Chính phủ nên dành ngân sách cho việc cấp học bổng để đào tạo và thậm chí cho đi học ở nước ngoài, nhằm đào tạo một đội ngũ nhà khoa học trẻ có trình độ bắt kịp với chuẩn quốc tế. Sau đó, phải làm sao để biến nghiên cứu thành một nghề chuyên nghiệp mà trong đó giảng dạy tại các trường ĐH và nghiên cứu độc lập cần phải được trả thù lao ngang bằng so với các ngành khác. Có như thế mới thu hút được những sinh viên tài năng nhất đến với sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

Đời thường

* Ông có khuyến khích con cái tiếp nối sự nghiệp khoa học của mình?

Điều tôi muốn nói là hãy cố gắng nghiên cứu điều gì mà mình thật sự yêu thích. Điều này sẽ giúp bạn không chỉ “làm việc” mà còn được “chơi” theo sở thích của mình.

- Tất cả bốn con tôi đều đã lớn và có sự nghiệp riêng. Một cậu con trai theo ngành máy tính, một cô con gái làm lập trình viên Internet, một cô khác làm họa sĩ đồ họa và cô còn lại đang làm thư ký văn phòng. Vợ tôi theo ngành tâm lý và nghệ thuật tạo hình. Chúng tôi đã có ba cháu ngoại - nội.

* Một người cha - nhà nghiên cứu khoa học giáo dục các con mình như thế nào?

- Các con tôi đi học ở Úc và cả ở Mỹ. Chúng học ở trường công và cũng có lúc ở trường tư (vào những thời điểm mà chúng tôi đủ tiền để chu cấp). Như đã nói ở trên, các con tôi đều trưởng thành và chọn nghề nghiệp theo thiên hướng riêng của mình. Theo tôi, nên khuyến khích con cái học đều các kiến thức, nếu có thể thì chú trọng hơn một chút cho toán và các môn khoa học. À, thêm nữa, theo tôi, nên lưu ý các con học về ngôn ngữ, nhất là tiếng Anh, thật tốt bởi vì diễn đạt trong báo cáo khoa học và truyền đạt các khám phá khoa học của mình cũng rất quan trọng.

Nhìn chung, vợ chồng tôi chỉ muốn các con mình được an toàn, hạnh phúc và không bị phụ thuộc cha mẹ. Cho tới hiện nay, tôi nghĩ là chúng tôi khá thành công trong việc nuôi dạy các con mình, và tôi rất hài lòng về điều đó.

* Thời đi học của một nhà khoa học đoạt giải Nobel liệu có gì khác biệt?

- Khi còn là học trò, tôi đã học khá nổi bật, tuy nhiên cũng khá mê chơi, dễ bị cuốn hút bởi những trò chơi lạ. Hồi đó, tôi hầu như thích học tất cả các môn nhưng rất ghét phải học thuộc lòng cái gì. Tôi luôn cố gắng hiểu những vấn đề mấu chốt của vấn đề, sự kiện... mà không học thuộc điều gì cả. Tôi rất hứng thú với môn điện, vật lý và hóa học, vì có thể mày mò thực hành ở nhà.

Tôi nhớ lúc 12 tuổi, cha mẹ tôi mua cho tôi một kính hiển vi và một số dụng cụ thí nghiệm hóa học để tôi tự nghịch ngợm với các tìm tòi của mình. Còn với môn sinh học, tôi chỉ tiếp xúc được với hai phần: sinh học liên quan đến con người và y học, bởi tôi chỉ có những sách liên quan đến hai lĩnh vực đó.

Như những đứa trẻ khác, tôi thích đọc sách về khủng long và các hóa thạch. Tôi cũng thích khám phá về cơ thể con người. Trong số các môn học, tôi nghĩ toán là môn có phần nào gay go. Bây giờ tôi hơi tiếc vì hồi đó tôi không cố gắng học môn toán hơn, bởi nó chính là nền tảng cho nhiều môn khoa học khác.

Về thể thao, tôi lại không giỏi cho lắm, đặc biệt rất kém trong khoản điền kinh. Tuy nhiên, môn bơi lội thì cũng tàm tạm, tối thiểu là cũng chơi tốt hơn những môn thể thao khác.

Kỷ niệm Việt Nam

* Ông đã từng thăm VN, ông hiểu như thế nào về VN của chúng tôi?

 

J. Marshall trong dịp thuyết giảng ở Việt Nam (Ảnh: TTO)

- Rất thú vị khi bạn hỏi câu này. Xin hãy xem những hình ảnh của tôi ở VN để hình dung về chuyến đi của tôi nhé.

Ấn tượng của tôi là VN thật lý thú với những con người rất thân thiện và mạnh mẽ, nghị lực. Tôi tin rằng VN sẽ đạt được nhiều thành công lớn trong thời gian sắp tới.

Tôi đã làm một chuyến hành trình lớn dọc VN. Chuyến đi này do vợ tôi, Adrienne, tổ chức nhân dịp tôi đến thuyết giảng ở Hà Nội và TP.HCM. Chúng tôi rất thích cả hai thành phố vì cả hai rất trái ngược nhau.

Vợ chồng tôi cũng đã thăm Hạ Long, Hội An. Đó là một chuyến đi thật thú vị và chúng tôi rất cảm động vì lòng mến khách của người dân. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng vấn đề lớn nhất mà du lịch VN cần làm là phát triển đường cao tốc để có thể di chuyển nhanh hơn từ đầu này đến đầu kia của đất nước.

* Xin cảm ơn ông.

 

HOÀNG HỒNG thực hiện

Theo Tuổi trẻ Online
  • 567