Tại sao bia lại khó tràn cốc hơn cà phê?

  •  
  • 892

Bia được coi là một trong những phát minh lớn nhất của nhân loại. Nhưng bên cạnh hương vị tuyệt hảo của nó, các nhà nghiên cứu khoa học mới đây đã tìm ra một điều khá thú vị đó là cơ chế chống tràn mà bia có thể tạo nên.

Tại sao bia lại khó tràn cốc hơn cà phê?

Các nhà khoa học đến từ trường đại học Princeton của Mỹ đã tiến hành một số thí nghiệm và nhận thấy rằng những chất lỏng mà có một lớp bọt mỏng ở trên bề mặt như cà phê đã được đánh bọt hay bia sẽ ít nhạy cảm hơn với "sloshing" so với cà phê thông thường. "Sloshing" là tên tiếng anh chỉ hiện tượng khi một thùng chứa chất lỏng đang trong tình trạng vơi sẽ luôn tạo chuyển động và tạo sóng chất lỏng ở bên trong. Nói cách khác, khi thùng chứa chuyển động, nó cũng sẽ cung cấp năng lượng cho chất lỏng bên trong chuyển động theo.

Tại sao bia lại khó tràn cốc hơn cà phê?

Đặc biệt, nếu thùng chứa chuyển động dao động với tần số gần với tần số tự nhiên của chất lỏng bên trong thì chất lỏng sẽ chuyển động dữ dội và va đập mạnh lên thành và đỉnh của thùng chứa. Hiện tượng "sloshing" này rất hay gặp ở những chiếc thuyền chở dầu trên biển.

Để chứng minh cho giả thuyết của mình, những nhà khoa học này đã thực hiện một số thí nghiệm cụ thể. Họ đã pha trộn glycerol và chất hoạt động bề mặt (surfactants) để tạo nên một lớp bọt đáng tin cậy và có thể đo đếm được.

Sau đó, các nhà khoa học tiến hành lắc những ly chứa các loại chất lỏng khác nhau với lớp bọt đã được tạo ra ở trên cho đến khi chất lỏng trong ly sánh ra ngoài. Sau khi thí nghiệm, họ nhận ra rằng với 3mm bọt trên bề mặt chất lỏng sẽ giúp cho chất lỏng bên trong ly giảm thiểu đáng kể sự chuyển động và tránh bị sánh ra ngoài.

Tại sao bia lại khó tràn cốc hơn cà phê?

Nghiên cứu này của các nhà khoa học tại trường đại học Princeton đã mang lại lợi ích rất lớn trong ngành công nghiệp vận chuyển. Cụ thể, vấn đề thiết kế khoang chứa và vận chuyển chất lỏng áp suất cao bằng những chiếc tàu chở hàng lớn trên biển vốn đang làm đau đầu các nhà nghiên cứu sẽ phần nào được giải quyết.

Dưới đây là video nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường đại học Princeton:

Tham khảo: Gizmodo

Theo Vnreview, Gizmodo
  • 892