Tại sao người ta không đóng chai nước ngọt thật đầy?

  •   3,84
  • 9.127

Có khi nào bạn uống nước ngọt, bia hay nước suối và tự hỏi "Tại sao người ta không đóng chai thật đầy?".

Nước ngọt là thức uống khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, có bao giờ bạn để ý và thắc mắc tại sao người ta không đóng chai nước ngọt đầy đến nắp hay không? Phải chăng nhà sản xuất bớt đi một chút nước để giảm thiểu chi phí và tăng lợi nhuận?

Theo nhà sản xuất, người ta không đóng chai nước ngọt đầy vì những vấn đề liên quan đến áp suất của chất khí trong chai.

Chất lỏng khi nở gặp nắp chai cản trở sẽ gây áp lực lớn đẩy bật nắp ra.
Chất lỏng khi nở gặp nắp chai cản trở sẽ gây áp lực lớn đẩy bật nắp ra. (Ảnh minh họa).

Khi sản xuất chai lọ, người ta thường làm dư thể tích bên trong để đảm bảo đựng đúng lượng nước theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất mà vẫn thừa một khoảng trống dành cho sự co giãn không khí.

Nhà sản xuất tính toán như vậy để tránh trường hợp nhiệt độ ở nơi bảo quản nước ngọt cao hơn nhiệt độ nơi sản xuất. Để tránh tình trạng nắp bật ra khi chất lỏng đựng trong chai nở vì nhiệt. Chất lỏng khi nở gặp nắp chai cản trở sẽ gây áp lực lớn đẩy bật nắp ra.

Còn nếu chai có khoảng trống, phần không khí nở ra đó vẫn có đủ chỗ, sẽ chịu nén giữ cho chai nước được an toàn; bởi vì chất lỏng không thể chịu nén, trong khi khí thì ngược lại.

Ngoài ra, khi chất lỏng nở ra nhưng bị nắp chai cản trở, áp lực lớn sẽ bị hình thành. Do đó nếu chai nước được đóng đầy, nắp sẽ bật ra, gây ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển và bảo quản. Trong một số trường hợp, tình trạng này còn gây ra nguy hiểm cho người sử dụng.

Chưa kể khi chai chạy qua dây chuyền sản xuất, nếu nước được rót đầy đến miệng chai thì chất lỏng sẽ sóng sánh ra ngoài, gây hại cho dây chuyền. Khi người tiêu dùng mở chai để uống, lượng nước đầy sẽ rất dễ đổ ra tay hoặc quần áo, đồ dùng.

Như vậy, tính chất đặc trưng của chất lỏng đã dẫn đến các sự thay đổi trong quá trình sản xuất, di chuyển cũng như bảo quản. Đó là lý do tại sao người ta không đóng chai nước ngọt đầy đến nắp. Cách đóng chai này sẽ đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm nước giải khát cũng như sự an toàn.

Còn một điểm thú vị trong đóng chai nước ngọt là người ta dùng nắp nhựa xoắn đối với chai nhựa và dùng nắp kim loại đối với chai thủy tinh. Những kỹ thuật này đều phục vụ mục đích an toàn, giảm đổ vỡ khi vận chuyển các chai nước.

Cập nhật: 20/09/2023 Theo infonet/vtc
  • 3,84
  • 9.127