Thần Châu 10 và cuộc chạy đua trên không gian

  •  
  • 803

Sự kiện Trung Quốc phóng tàu Thần Châu 10 thu hút sự chú ý của thế giới, bởi đây là một trong các chuyến bay mang tính ứng dụng đầu tiên của hệ thống vận chuyển giữa vũ trụ và mặt đất mà nước này thực hiện.

>>> Tàu thần Châu 10 đã kết nối Thiên Cung-1

Tàu vũ trụ Thần Châu 10 sẽ hoạt động 15 ngày - khoảng thời gian lâu nhất từ trước đến nay đối với các sứ mệnh vũ trụ của Trung Quốc, đây cũng là lần đầu tiên phi hành gia thuộc thế hệ 8X bay vào không trung.

Sự xuất hiện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân uỷ Trung ương Tập Cận Bình tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi (được thành lập ngày 20/10/1958), và theo dõi khoảnh khắc tàu vũ trụ Thần Châu 10 rời bệ phóng cho thấy mối quan tâm của lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới tới lĩnh vực này như thế nào. Việc này diễn ra đúng thời điểm Trung Quốc kỷ niệm một thập kỷ xây dựng chương trình không gian nên càng thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên môn.

Để thực hiện sứ mệnh đưa tàu vũ trụ có người lái lần thứ 5 lên không trung, vào hồi 17h38 ngày 11/6 theo giờ địa phương, tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu 10 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh mang theo ba phi hành gia gồm Nhiếp Hải Thắng, Trương Hiểu Quang và Vương Á Bình.

Sau khi bay vào vũ trụ, tàu vũ trụ Thần Châu 10 sẽ ghép nối với module Thiên Cung 1, và thực hiện các nhiệm vụ được giao, như kết nối tự động một lần và kết nối do phi hành gia điều khiển bằng tay một lần với module Thiên Cung 1, triển khai các thí nghiệm y học và kỹ thuật.

Theo ông Chu Kiến Bình, Tổng công trình sư chương trình vũ trụ có người lái của Trung Quốc, hệ thống vận chuyển giữa vũ trụ và mặt đất, gồm tàu vũ trụ Thần Châu và tên lửa đẩy Trường Chinh 2F là hệ thống có thể đưa phi hành gia và vật tư giữa vũ trụ với mặt đất, và ngược lại. Hiện trên thế giới, ngoài tàu vũ trụ liên hợp của Nga, Trung Quốc cũng đã đạt trình độ như vậy.

Thần Châu 10 và cuộc chạy đua trên không gian
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình tới tiễn 3 phi hành gia bay trên tàu vũ trụ Thần Châu 10. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Vì từng bay trên Thần Châu 6 năm 2008, nên ông Nhiếp Hải Thắng, 48 tuổi được cử làm cơ trưởng, là người ghép nối thủ công với module Thiên Cung 1.

Tuy là phi công cao cấp trong lực lượng không quân, và được chọn trở thành phi hành gia từ năm 1998, nhưng đây là chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ của ông Trương Hiểu Quang, 47 tuổi. Nhiệm vụ của phi hành gia Trương Hiểu Quang là trợ tá cho cơ trưởng Nhiếp Hải Thắng, phụ trách phối hợp hoàn thành nhiệm vụ ghép nối và là người quay phim hoạt động bài giảng trên vũ trụ.

Thiên Cung 1 có chức năng như một nguyên mẫu thử nghiệm cho một trạm không gian khổng lồ mà Trung Quốc dự tính xây dựng trong năm 2020. Để đưa nữ phi hành gia đầu tiên thuộc thế hệ 8X sinh ra tại tỉnh Sơn Đông lên vũ trụ, ngay từ năm 2010, Vương Á Bình đã được chấm định và là nữ phi hành gia thứ hai của Trung Quốc bay vào không gian. Nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc là Lưu Dương đã bay vào quỹ đạo hồi tháng 6/2012 trên tàu vũ trụ Thần Châu 9.

Được biết, Vương Á Bình đã trải qua 1.600 giờ bay và từng thực hiện nhiệm vụ xua tan mây cho lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Còn nhiệm vụ lần này của nữ phi hành gia Vương Á Bình trên tàu vũ trụ Thần Châu 10 là giám sát tàu, phòng thí nghiệm vũ trụ, thao tác máy móc, chăm sóc đời sống phi hành đoàn và thuyết giảng cho sinh viên từ vũ trụ.

Theo giới truyền thông, tàu vũ trụ Thần Châu 10 có 4 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, nó cung cấp người và vật chất hai chiều cho module Thiên Cung 1, tiếp tục khảo sát kỹ thuật ghép nối và tính năng của hệ thống vận chuyển hai chiều. Thứ hai, khảo sát khả năng đảm bảo sinh hoạt, làm việc và sức khỏe của phi hành gia. Thứ ba, Thần Châu 10 có nhiệm vụ nghiên cứu khả năng thích ứng trong môi trường vũ trụ và hiệu quả thao tác của phi hành gia làm việc trong vũ trụ, mở rộng thí nghiệm khoa học vũ trụ và sửa chữa trên quỹ đạo. Thứ tư, tàu vũ trụ kiểm tra chức năng, tính năng phối hợp giữa các hệ thống trong việc thực hiện nhiệm vụ bay của hệ thống công trình.

Giới chuyên môn cho rằng, sứ mệnh của Thần Châu 10 là giúp Trung Quốc cụ thể hóa tham vọng xây dựng một trạm vũ trụ riêng trong tương lai gần. Sau khi phóng Thần Châu 10, Trung Quốc sẽ đánh dấu một bước ngoặt đối với chương trình không gian có người lái.

Theo đó, sẽ xây dựng Thiên Cung 2 (nặng khoảng 60 tấn, nhỏ hơn phòng thí nghiệm không gian Skylab của NASA xây dựng từ thập niên 1970 và bằng khoảng 1/6 lần kích thước của Trạm vũ trụ quốc tế hiện tại do 16 quốc gia trên thế giới xây dựng) - một trạm thường trực có ba module. Từ Thần Châu 10, các chuyến bay vào vũ trụ của Trung Quốc sẽ có nhiệm vụ đưa đón thường kỳ phi hành đoàn làm việc tại trạm không gian.

Giới truyền thông cho biết, tổng chi phí cho dự án Thần Châu là 2,3 tỷ USD. Bộ quần áo vũ trụ Nhiếp Hải Thắng mặc khi bay trên tàu vũ trụ Thần Châu 6 (chế tạo từ đầu năm 2004) nặng khoảng 10kg. Để mặc bộ quần áo vũ trụ mất khoảng 150 giây.

Mỗi ngày các phi hành gia ăn ba bữa, mỗi bữa có 5 - 6 món và đồ ăn được chia thành hai loại là tinh bột và thực phẩm. Tất cả đều được đóng thành những gói nhỏ thuận tiện cho việc hâm nóng. Đồ tráng miệng gồm cà phê tan, chuối, đào, dưa vàng, dâu tây...

Trong khi phi hành gia Dương Lợi Vỹ, người Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ, chỉ ăn khoảng 30 món và không có dụng cụ ăn thì Nhiếp Hải Thắng lại có thể dùng muỗng, nĩa, dĩa để lấy thức ăn một cách dễ dàng. Nhiếp Hải Thắng từng tiến hành một số thí nghiệm khoa học với sự tham gia thực sự của con người trên quỹ đạo, việc này dựa trên hơn 110 tiến bộ gặt hái từ chuyến bay của Thần Châu 5.

Thần Châu 10 và cuộc chạy đua trên không gian
Thần Châu 10 rời bệ phóng lúc 17h38 hôm 11/6. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Giới chuyên môn cho biết, Thần Châu được thiết kế dựa trên mẫu tàu vũ trụ Soyuz gồm ba khoang của Nga. Thần Châu 1 (không người lái) được phóng lên ngày 20/11/1999. Thần Châu 5 (có người lái) được phóng lên ngày 15/10/2003 và sau 21 giờ 23 phút bay trên quỹ đạo nó đã trở về trái đất an toàn..

Ngày 25/9/2008 đi vào lịch sử ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc, sau khi Thần Châu 7 cùng ba phi hành gia bay vào quỹ đạo, và Trác Chí Cương đã hoàn thành nhiệm vụ khi đi bộ ngoài không gian hơn 20 phút, sau đó trở về trái đất an toàn.

Ngày 16/6/2012, Trung Quốc phóng thành công Thần Châu 9. Khoảng 13h ngày 24/6/2012, tàu vũ trụ Thần Châu 9 đã ghép nối thủ công với phòng thí nghiệm vũ trụ Thiên Cung 1. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thành công trong việc kết nối một phi thuyền với một module vũ trụ mà không dùng hệ thống tự động.

Theo giới chuyên môn, đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng trạm vũ trụ kiên cố của riêng Trung Quốc. Nga và Mỹ làm chủ kỹ thuật ghép nối thủ công từ thập niên 1960 và Trung Quốc là nước thứ ba trên thế giới làm được điều này.

Theo CAND
  • 803