Thế giới thu nhỏ trên một hòn đảo

  •  
  • 702

Một hòn đảo nhỏ bé ở một nơi rất xa xôi hẻo lánh đã cho các nhà khoa học hình dung về thế giới thu nhỏ, với những xung đột về lợi ích và môi trường giống hệt như đang diễn ra khắp địa cầu.

Đảo Rapa nằm biệt lập ở Nam Thái Bình Dương, nửa đường từ Nam Mỹ đến New Zealand. Từ sự hợp tác ban đầu, những người định cư đầu tiên ở đây đã quay ra gây chiến với nhau khi phải đối mặt với những sức ép tương tự về môi trường và sự cạnh tranh giống như đang diễn ra trên toàn cầu.

"Rapa là một nơi rất xa, giống như một hành tinh khác. Khi những người định cư đến đây, ngay lập tức xuất hiện ảnh hưởng đến môi trường", trưởng nhóm nghiên cứu Douglas Kennett, từ Đại học Oregon nói. "Với việc bùng nổ dân số, bạn có thể thấy điều tương tự trên một quy mô lớn hơn ngày nay. Nó dẫn tới xung đột xã hội".

Dấu tích của một công sự còn lại trên đảo Rapa.
Dấu tích của một công sự còn lại trên đảo Rapa. (Ảnh: LiveScience)
Những phép đo tuổi đồng vị carbon ở nhiều điểm khác nhau trên đảo cho thấy, các cư dân đầu tiên tới Rapa trên những chiếc thuyền vào năm 1.200. Ban đầu, họ lập trại trong những căn lều bằng đá dọc theo bờ biển và có thể đã chung sống với nhau rất hoà thuận.

Song hoà bình dường như không dài lâu, dựa vào những công sự kiên cố nặng nề tìm thấy trên đảo.

"Rapa trở nên vững chãi thái quá trong khoảng 300 năm sau đó", Kennett nói. "Hòn đảo này cách những người láng giềng gần nhất cũng đến 530 km, vì thế các công sự này không phải để ngăn kẻ thù bên ngoài".

Sự cạnh tranh về tài nguyên và suy thoái về môi trường đã đẩy các cư dân của Rapa chia rẽ thành những bè phái chiến tranh, Kennett lập luận.

Khi những người Polynesi đến Rapa, người ta cũng mang theo các vật dụng như giống cây và chuột, bên cạnh loại lương thực chính là khoai sọ. Họ tới đây sau khi những hòn đảo ở gần đó như Fiji và Tonga đã bị khai thác cạn kiện tài nguyên. "Chẳng còn nơi nào để đi nữa, Rapa đã là điểm dừng chân của hành trình", các nhà nghiên cứu nói. Cuối cùng, đến lượt Rapa cũng bị vét sạch để phục vụ các cư dân mới, và cạnh tranh khốc liệt diễn ra, buộc các cư dân phải chuyển sâu vào đất liền.

Lịch sử của Rapa là bài học có thể áp dụng cho cả thế giới ngày nay. "Với dân số thế giới đang vượt quá 6 tỷ người, sự thay đổi môi trường do con người tạo ra là một vấn đề cấp bách, đe dọa cộng đồng toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc vào nhau".

Ngày càng có nhiều bằng chứng hiện đại về sự bùng bổ dân số đã gây hại đến môi trường như thế nào - các chuyên gia nói - mà không chỉ ở thế giới thứ ba. Một phần bang California, Arizona và đông bắc Mỹ đang trải qua những đợt thiếu nước nghiêm trọng và chỉ có thể tồi tệ hơn.

T. An

Theo LiveScience, Tuổi trẻ
  • 702