Thủ phạm giết chết Hồi vương thống trị Ai Cập cổ đại

  •  
  • 929

Saladin, Hồi vương nổi tiếng bách chiến bách thắng ở thế kỷ 12, được chẩn đoán qua đời do vi khuẩn gây bệnh thương hàn.

Bác sĩ Stephen J. Gluckman, giáo sư y khoa ở Trường Y thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ, chẩn đoán về căn bệnh của Hồi vương Saladin sau khi xem xét kỹ một loạt triệu chứng. Theo bác sĩ Gluckman, thủ phạm gây ra cái chết của Saladin là bệnh thương hàn, căn bệnh do vi khuẩn gây ra rất phổ biến trong khu vực ở thế kỷ 12.

Hồi vương Saladin nổi tiếng là vị vua anh minh thời cổ đại.
Hồi vương Saladin nổi tiếng là vị vua anh minh thời cổ đại. (Ảnh minh họa: Wikipedia).

Sinh năm 1137, Saladin trở thành Hồi vương của vùng đất rộng lớn bao gồm Ai Cập, Syria, một phần Iraq, Lebanon, Yemen và các khu vực thuộc Bắc Phi. Ông thành công chỉ huy quân đội chống lại cuộc xâm lược của quân Thập tự chinh và chinh phục vài vương quốc. Các sử gia miêu tả ông là người Kurd nổi tiếng nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, cái chết của Saladin vẫn là điều bí ẩn. Ông đổ bệnh vào năm 1193 ở tuổi 56. Sau hai tuần, Hồi vương qua đời.

Bác sĩ Gluckman công bố chẩn đoán tại Hội nghị Bệnh học lâm sàng Lịch sử lần thứ 25 diễn ra hôm 4/5 tại Trường Y thuộc Đại học Maryland, Mỹ. Chủ đề của hội nghị là chẩn đoán chứng bệnh ảnh hưởng tới nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Trong quá khứ, các chuyên gia tập trung vào bệnh tình của những danh nhân như Lenin, Darwin, Eleanor Roosevelt và Lincoln.

Bác sĩ Gluckman, chuyên gia về bệnh rối loạn ký sinh trùng, tham gia chữa trị và giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới. Ông dành nhiều thời gian để xem xét bệnh án của Hồi vương Sultan. "Chẩn bệnh sau hàng thế kỷ đòi hỏi nhiều tư duy và trí tưởng tượng. Điều gì đã xảy ra với Saladin là một câu đố thú vị", bác sĩ Gluckman nói.

Thương hàn là căn bệnh có thể gây chết người lây lan qua thức ăn và nước nhiễm khuẩn. Triệu chứng của bệnh thương hàn bao gồm sốt cao, suy nhược, đau bụng, đau đầu và ăn không ngon. Đây là bệnh phổ biến ở nhiều nơi trừ các khu vực công nghiệp như Mỹ, Tây Âu, Australia và Nhật Bản. Khoảng 22 triệu người trên thế giới mắc bệnh thương hàn mỗi năm, trong đó có 200.000 ca tử vong.

Cập nhật: 08/05/2018 Theo VNE
  • 929