Trạm vũ trụ Trung Quốc sẽ mở rộng thành hình chữ thập

  •  
  • 161

Trạm Thiên Cung sẽ được bổ sung một module nữa có nhiều cổng ghép nối với tàu vũ trụ thay vì cấu trúc chính hình chữ T với 3 module như hiện nay.


 (Video: CNSpaceFlight)

Trung Quốc lên kế hoạch mở rộng trạm vũ trụ Thiên Cung bằng cách phóng một module mới liên kết với cấu trúc hiện có hình chữ T và tạo ra một tổ hợp hình chữ thập, CGTN hôm 1/3 đưa tin. Trung Quốc hoàn thành cấu trúc chính hình chữ T của trạm Thiên Cung vào tháng 11 năm ngoái với 3 module. Trạm nặng khoảng 66 tấn, chỉ bằng một phần nhỏ so với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) 465 tấn.

Theo Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), module mới sẽ hoạt động như một cabin nút giao và trang bị nhiều cổng ghép nối giống module lõi Thiên Hòa, cho phép trạm vũ trụ ghép nối với nhiều tàu hơn.

CMSA cho biết thêm, Trung Quốc dự định mở rộng hoạt động trên quỹ đạo của trạm Thiên Cung bằng cách tiến hành các nâng cấp. Trạm sẽ chuyển ưu tiên từ đột phá công nghệ trong giai đoạn xây dựng sang hiệu suất của các ứng dụng không gian.

Trên trạm Thiên Cung, hàng loạt thí nghiệm đang được tiến hành hoặc chuẩn bị bắt đầu. Một số nhằm tìm ra phương pháp chống lại những vi sinh vật có thể làm hỏng kim loại trên tàu vũ trụ, sản xuất oxy từ tảo trong không gian và chuyển đổi nhiệt năng thành điện.

Các phi hành gia của nhiệm vụ Thần Châu 15 (hiện sống và làm việc trên trạm Thiên Cung) đã thu được hình ảnh cấu trúc 3D của các tế bào da nhờ kính hiển vi hai photon do Trung Quốc tự phát triển. Đây kính hiển vi đầu tiên trên thế giới thuộc loại này.

Mô phỏng trạm vũ trụ Trung Quốc mở rộng.
Mô phỏng trạm vũ trụ Trung Quốc mở rộng.

Trong những năm tới, hơn 65 dự án sẽ được triển khai trên trạm vũ trụ. Nỗ lực này nhằm cải tiến các công nghệ then chốt trong việc chuẩn bị vật liệu đặc biệt, y học tái tạo và tế bào gốc, các hệ thống thời gian - tần số độ chính xác cao và đo đạc lượng tử chính xác, theo CMSA.

Kính viễn vọng Không gian Khảo sát Trung Quốc, còn gọi là Kính viễn vọng Trạm Vũ trụ Trung Quốc (CSST), sắp phóng lên và trở thành một phần của dự án trạm vũ trụ. Trong quá trình quan sát bình thường, kính viễn vọng sẽ bay độc lập với trạm Thiên Cung nhưng trên cùng quỹ đạo.

CSST là đài quan sát quang học ngoài không gian giúp các nhà thiên văn thực hiện những cuộc khảo sát bầu trời, lập bản đồ hay chụp ảnh. Nó có thể ghép nối với trạm vũ trụ để tiếp nhiên liệu, bảo dưỡng theo lịch hoặc khi cần thiết. Điều này giúp CSST có chi phí bảo trì thấp hơn so với kính viễn vọng không gian Hubble của NASA.

CMSA cho biết, kính viễn vọng hàng đầu Trung Quốc này dự kiến khảo sát vùng trời rộng 17.500 độ vuông trong 10 năm sau khi hoạt động, giúp khám phá các vấn đề khoa học lớn như sự giãn nở ngày càng tăng của vũ trụ, vật chất tối và năng lượng tối.

Cập nhật: 03/03/2023 VnExpress
  • 161