Trung Quốc: Công bố đoạn băng “quái vật hồ Kanasi”

  •   3,49
  • 13.962

Cách đây 2 hôm, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã phát đi đoạn băng ghi hình... 15 con thủy quái hồ Kanasi, nằm trong Khu tự trị Tân Cương thuộc miền tây đất nước. Chúng bơi với tốc độ cực nhanh và để lại đằng sau bọt tung trắng xóa, như thể vừa có hàng chục chiếc thuyền máy vừa vọt qua mặt hồ.

Do một khách du lịch cung cấp hôm 5/7, cuốn băng “độc” ngay lập tức làm dấy lên làn sóng tranh luận sôi nổi về sự tồn tại của quái thú dưới mặt nước hồ Kanasi - một sinh vật huyền thoại của Trung Quốc mà xét về kích thước và sự bí ẩn, nó cũng “một chín một mười” so với thủy quái Loch Ness.

Những thước phim tuy nhập nhoạng nhưng cũng đủ cho người ta thấy 15 con vật khổng lồ bơi như tên bắn dưới mặt nước xanh ngằn ngặt, để lại bọt tung trắng xóa đằng sau. Hàng chục thế kỷ nay, có lẽ đây là lần đầu tiên dân Trung Quốc có được bằng chứng sống động và thuyết phục đến thế về con thủy quái bí ẩn này.

Một cảnh "nhập nhoạng" trong đoạn băng. (Ảnh: Times Online)

Cách đây hơn 2 năm quái vật hồ Kanasi cũng đã từng xuất đầu lộ diện. Chính xác là vào ngày 7/6/2005, hai con vật khổng lồ mình đen xì và bóng nhẫy trồi lên từ mặt nước, con nào con nấy dài cả chục thước. Loáng một cái đã thấy chúng “bắn” từ ven mép ra tận giữa hồ.

Không giống như quái vật hồ Loch, “thủy quái Kanasi thường xuất hiện theo đàn và bơi song song cùng nhau, thi thoảng mới tách ra tản mạn” - phát thanh viên đài CCTV cho hay.

Đài Truyền hình trung ương không bày tỏ ý định làm phóng sự điều tra tiếp về sự kiện này. Họ chỉ bình luận: “Việc thủy quái đột nhiên xuất hiện với số lượng lớn càng khiến hồ Kanasi thêm huyền thoại và bí ẩn”.

Theo truyền thuyết của những người Nội Mông sống trên dãy núi hẻo lánh giáp Nga và Mông Cổ, thủy quái Kanasis sống trong vùng nước rộng khoảng 24 km, độ sâu trung bình 188 mét. Chúng đặc biệt “tai tiếng” bởi những trò rình mò dê cừu, trâu ngựa trên bờ sau đó kéo xuống mặt nước làm thịt.

Một giáo sư họ Viên - người đã nghiên cứu chủ đề “thủy quái Kanasi” từ 27 năm nay - cho biết đã tận mắt nhìn thấy tất thảy một đàn chừng 50 con xuất hiện vào năm 1985, mà lúc đó ông cứ ngỡ là một loài cá khổng lồ.

“Tôi chỉ nhìn thấy đầu chúng nổi lên trên mặt nước, trông giống như những con nòng nọc khổng lồ màu nâu đỏ. Chiều dài của chúng vào khoảng 10 -15 mét”.

Ngày 28/5/2004, giáo sư Viên lại có dịp may gặp lại “cố nhân” lần nữa khi đang đứng trên một ngọn đồi nhìn xuống hồ Kanasi. “Ban đầu tôi tưởng đó là một tấm nhựa ai đó quẳng xuống hồ, nhưng nhìn kỹ thì không phải như vậy. Tôi nhận ra tấm lưng khổng lồ của con thủy quái, choáng váng vì kích thước quá lớn. Trông nó như thể một chiếc tàu ngầm”.

Trở về văn phòng, giáo sư Viên không quản công tính toán kích thước con vật dựa theo tỷ lệ của cảnh vật xung quanh. “Tôi không dám nói là nó dài hơn 20 mét, nếu không người ta sẽ cười vào mũi mà nói rằng tôi khoác lác mất”.

Vào những năm 1980, một số nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đi tới kết luận rằng thủy quái Kanasi” rất có thể chỉ là một thành viên đột biến nào đó của cá hồi Hucho Taimen - một trong 8 loài cá duy nhất sống dưới đáy hồ. Người ta đã từng bắt được một con Hucho dài tới 2,1 mét ở đầu nguồn biên giới nước Nga.

Nhiều nhà khoa học trong nước tỏ ra nghi ngờ “duyên phận” của giáo sư Viên với những con thủy quái, tuy nhiên ông phớt lờ và luôn tỏ ra kiên quyết với lập trường của mình. “Tôi cũng là một nhà khoa học và tôi tin tưởng tuyệt đối vào những gì đã mắt thấy tai nghe”.

Hiện đoạn băng quái vật Kanasi đang "làm mưa làm gió" trên trang web You Tube.

Hải Minh

Theo Times Online, Dân trí
  • 3,49
  • 13.962