Truyền thuyết về nữ bác sĩ đầu tiên trong lịch sử

  •  
  • 196

Ngày nay, số lượng nam giới và nữ giới theo học ngành Y gần như ngang nhau, nhưng nhiều thế kỷ trước, phụ nữ bị cấm hành nghề chữa bệnh.

Bất chấp điều này, một cô gái người Hy Lạp sống vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đã cải nam trang để học Y khoa và được cho là nữ bác sĩ đầu tiên được biết đến trong lịch sử.

Nghề y - đặc quyền của phái mạnh

Cảnh sinh đẻ trong thời cổ - tác phẩm khắc họa được khai quật ở Ostia, Italy.
Cảnh sinh đẻ trong thời cổ - tác phẩm khắc họa được khai quật ở Ostia, Italy.

Lưỡng Hà, Ai Cập, Babylon và Hy Lạp cổ đại đều có chương trình đào tạo y khoa, nhưng chỉ nam giới mới được phép học ngành này.

Một phần vì phụ nữ vào thời đại đó không được phép học bất cứ thứ gì, phần khác họ được cho là không đủ khả năng để hiểu những ý tưởng phức tạp trong y học, dễ xúc động trước máu me, không đủ bình tĩnh để xử lý bệnh tật, thương tích. Bên cạnh đó, việc một người phụ nữ nhìn và chạm vào cơ thể của một người đàn ông, ngoài chồng mình là điều cấm kỵ.

Chỉ có một lĩnh vực phần nào liên quan đến y học mà phụ nữ được phép hành nghề, đó là đỡ đẻ. Nam giới luôn tỏ ra sợ hãi trước tiến trình sinh sản của phụ nữ nói chung, ngay cả những người đàn ông có học thức cao cũng ngại ngần với những ý tưởng về kinh nguyệt, mang thai, sinh nở và mãn kinh. Các bác sĩ nam thường không hỗ trợ việc sinh sản cho đến những năm 1800.

Do đó, trong một thời gian rất dài, nhiệm vụ này do phụ nữ đảm trách, họ được gọi là bà đỡ, truyền kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng công việc thực tế.

Agnodice có thể bắt đầu việc làm của mình với tư cách là nữ hộ sinh. Tuy nhiên, cô còn muốn nhiều hơn chứ không chỉ hỗ trợ những phụ nữ chuyển dạ sinh con. Đó là trở thành một bác sĩ, điều không thể đối với một phụ nữ thời đó.

Cách duy nhất để Agnodice đạt được mục đích là che giấu giới tính của mình. Ăn mặc như một người đàn ông, cô theo học dưới sự chỉ dạy của người thầy thuốc đáng kính, Herophilos, trước khi hành nghề y ở Athens.

Herophilos là nhân vật có thật, một thầy thuốc nổi tiếng người Hy Lạp sống ở Alexandria, Ai Cập. Nếu Agnodice được học với Herophilos, thì cô sống vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.

Cải trang để thỏa mãn đam mê

Agnodice được xem là nữ bác sĩ đầu tiên trong lịch sử.
Agnodice được xem là nữ bác sĩ đầu tiên trong lịch sử.

Người Byzantine đã kể nhiều câu chuyện về những người phụ nữ được cho là đã cải trang thành nam giới để có thể trở thành tu sĩ. Tất cả những yếu tố này gợi ý rằng câu chuyện của Agnodice nên được coi là văn hóa dân gian. Tuy nhiên, đối với nhiều người, Agnodice là một nữ anh hùng tuyệt vời, đã truyền cảm hứng cho phụ nữ trong ngành Y trong nhiều thiên niên kỷ.

Theo truyền thuyết, Agnodice tỏ ra là một bác sĩ lành nghề và tài ba. Cô nổi tiếng với sự chăm sóc người bệnh một cách tận tình, đặc biệt là với các bệnh nhân nữ.

Vào thời điểm này, những lời than phiền về bệnh tật của phụ nữ thường không được các bác sĩ quan tâm, hoặc bị coi là “cuồng loạn”. Ở Agnodice, các bệnh nhân nữ đã tìm được một thầy thuốc biết lắng nghe những lo âu của họ và không xem nhẹ chúng.

Người ta kể rằng, Agnodice đã giành được sự tin tưởng và tôn trọng của các bệnh nhân nữ, bằng cách để ngực trần để chứng minh với họ cô thực sự là một phụ nữ cải trang.

Tin đồn lan truyền Agnodice là bác sĩ giỏi đối với các bệnh nhân nữ khiến việc hành nghề của cô ngày càng tiến triển. Điều này khiến cộng đồng y học ở Athens bắt đầu đặt vấn đề vì sao một thầy thuốc trẻ măng lại nổi tiếng đến vậy.

Một nhóm bác sĩ do bị mất nhiều thân chủ đã cáo buộc Agnodice quyến rũ các bệnh nhân nữ của họ và cô bị đưa ra xét xử về tội dâm ô. Trước tòa, để bào chữa, cô nói bản thân không thể quyến rũ các bệnh nhân nữ, những người cùng giới, và vén áo dài lên để chứng minh thân phận của mình.

Mặc dù được cho là vô tội trước những cáo buộc dâm ô, nhưng lời bào chữa của Agnodice đã khiến cô phải hứng chịu một tội danh mới: Hành nghề y bất hợp pháp.

Tuy nhiên, cô lập luận rằng mình đã được đào tạo giống như một bác sĩ nam và đã điều trị thành công cho rất nhiều bệnh nhân, đồng thời những phụ nữ ở Athens đã làm chứng cho sự chăm sóc tận tình của cô và phản đối việc kết tội nữ bác sĩ này. Cuối cùng, Agnodice được tha bổng và ngay sau đó, Athens cũng thu hồi luật cấm phụ nữ trở thành bác sĩ.

Nhân vật trong truyền thuyết?

Câu chuyện về Agnodice đã được kể lại nhiều lần và đặc biệt vẫn còn phổ biến trong cộng đồng y học. Nó được dịch sang tiếng Anh vào năm 1535 và đã được bổ sung, thêm thắt kể từ đó.

Tuy nhiên, rất khó để tin rằng Agnodice thực sự tồn tại. Tác phẩm Fabulae của Hyginus là nguồn tài liệu cổ xưa duy nhất đề cập đến cô còn sót lại và nó chắc chắn không phải là nguồn đáng tin cậy, thậm chí không phải là một tác phẩm lịch sử, mà là một tập hợp nhiều thần thoại, truyền thuyết, truyện kể dân gian.

Hầu hết các câu chuyện trong đó nói về các vị thần và anh hùng. Mặt khác, câu chuyện bắt nguồn từ Hy Lạp nhưng không có phiên bản tiếng Hy Lạp nào tồn tại.

Hyginus được cho là một tác giả người La Mã, nhưng không rõ ông là ai, viết câu chuyện khi nào và lấy nguồn ở đâu.

Những câu chuyện về phụ nữ cải trang để theo đuổi những công việc mà theo truyền thống chỉ dành riêng cho nam giới khá phổ biến trong dân gian của mọi nền văn hóa. Thậm chí còn có nhiều câu chuyện khác thuộc loại này từ Hy Lạp cổ đại. Trong đó, câu chuyện được nhà triết học

Dikaiarchos của Messana kể và nhà viết tiểu sử thế kỷ thứ ba thuộc Công nguyên, Diogenes Laërtios, lưu giữ trong tác phẩm Lives and Opinions of Eminent Philosophers của ông cho rằng, người phụ nữ Axiothea của Phlious đã cải trang thành đàn ông để có thể trở thành một triết gia.

Cập nhật: 16/02/2023 GDTĐ
  • 196