Nằm ở lưng chừng núi, đường lên hang khó hơn "lên trời” vậy mà trong đó lại có những chiếc quan tài lớn, trong hang còn có một số mẩu xương của trâu, thú lạ và cả bộ xương hàm của người. Đó là những gì mà chúng tôi ghi nhận được trong một hang động tại tỉnh Thanh Hóa.
Có khoảng 200 cỗ quan tài cổ được treo bung biêng trong một cái hang mà tiếng Thái bản địa gọi là động Ma, trên đỉnh núi tai mèo tại địa phương. Quan tài làm bằng thân gỗ quý khoét rỗng. Dăm bảy cái động bên cạnh hang Ma cũng được đám thợ săn hốt hoảng trông thấy la liệt toàn... quan tài. Một táng thức khá kỳ lạ ở Việt Nam: Không biết từ quan niệm nào, và bằng con đường nào mà hàng trăm cỗ quan tài có thể "bay" lên các vách núi cao hàng trăm mét ấy?
Quan tài được bày tràn lan khắp hang Lũng Mu, bản Khằm, xã Hồi Xuân.
Cách TP.Thanh Hoá 140km, xã Hồi Xuân có phong cảnh hữu tình, là nơi sông Luồng nhập với sông Mã đỏ ngầu băng mình qua bạt ngàn đá phiến. Nơi ấy có động Ma nằm giữa mây mù trên núi đá tai mèo vòi vọi.
Hang Lũng Mu, hay còn gọi là hang Ma, thuộc địa phận bản Khằm, xã Hồi Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) nằm bên con sông Luồng. Đứng bên này sông có thể nhìn thấy cửa hang Ma nằm giữa lưng chừng núi. Để lên được hang Ma, bắt buộc phải thuê người chèo thuyền độc mộc bơi một đoạn khá dài qua con sông Luồng trong mùa mưa lũ nước dâng cao, cuộn chảy đục ngầu.
...Bước khỏi dòng sông Luồng, lập tức chúng tôi ngộp vào một cánh rừng rậm rạp. Cây và dây leo trùm trên đá tai mèo phún sắc, lá mục dày hàng gang tay, muỗi rĩn phi như vãi trấu vào mặt người leo núi. Nhiều đoạn, vách núi dựng đứng, leo cả tiếng đồng hồ chỉ nhích lên cao được độ 30m. Nhiều lúc, cả trưởng bản lẫn phó bản phải kỳ công kéo rồi đỡ thì tiến sĩ Việt mới lê được cái tuổi 56 của mình ngược đỉnh trời.
Toàn bộ quan tài đều được làm bằng thân cây gỗ lớn, nhiều bộ ước nặng hàng tấn. (Ảnh: Lê Hoàng.)
Càng lên cao, rừng càng hoang dã. Mùi phân dơi, lợn rừng, sơn dương, nai hoẵng cứ sực lên đến tắc thở. Đó là lúc động Ma hiện ra, với lồng lộng gió ngoài cửa hang.
Ngay cửa hang là la liệt quan tài. Quan tài làm bằng thân gỗ lớn, khoét hình thây người với hai đầu nhỏ thon dần, khúc giữa phình to; hai đầu khúc gỗ khoét có hai cái núm như chuôi vồ (có thể dùng để khiêng), tiếng Thái gọi là phần chuông hậu. Mỗi mảnh quan tài thể hiện rõ những khấc gỗ dùng để ghép hai nửa thân gỗ đã khoét với nhau (sau khi đã đặt thi hài người quá cố vào). Vật đem chôn sẽ nguyên bản như một thân cây khi nó đang đứng trong rừng.
Hầu như không có cỗ quan tài nào còn nguyên vẹn hai phần thân gỗ khum khum úp vào nhau. Mỗi phần của cỗ quan tài nằm như một con thuyền độc mộc. Chỏng chơ. Nhiều mảnh quan tài vỡ vụn, mục ruỗng, rêu mốc xanh rì.
Các quan tài táng trong hang cũng có thứ bậc cao thấp. (Ảnh: Lê Hoàng.)
Hang được chia thành ba cấp độ. Tại lòng hang thứ ba, dễ đến 50 cỗ quan tài nữa hiện ra. Quan sát kỹ, có thể thấy giàn giáo đặt quan tài (lên tầng 2) được làm rất công phu.
Cột gỗ dựng từ lòng hang, chằng với các thanh dầm húc sâu vào các vách đá, vững chãi. Gỗ quan tài vẫn dẻo quánh, vàng sậm, toả mùi thơm nhè nhẹ.
Việc hàng trăm cỗ quan tài được đưa lên an táng trong hang đá lạnh lẽo nằm chơi vơi trên vách núi đã trở thành một câu hỏi lớn đối với các nhà khoa học. Họ đưa ra kết luận đó là hình thức huyền táng hay hang táng, chôn cất người đã khuất trên hang động núi cao của người xưa.
Thân quan tài và nắp quan tài được đục từ cây gỗ lớn.
Tuy nhiên, việc chuyển được những cỗ quan tài nặng cả trăm cân lên vách núi đá dựng đứng đã làm đau đầu các nhà khoa học, họ không thể giải thích được người xưa đã dùng kỹ thuật nào để đưa những cỗ quan tài gỗ nặng nề lên hang động cao vút bên núi kia. Có ý kiến cho rằng rất có thể người xưa đã leo lên đỉnh núi, dùng dây rừng buộc chặt vào quan tài rồi thả dây từ đỉnh núi xuống cửa hang. Ở đó đã có một người đứng trực sẵn, chỉ việc dùng tay kéo quan tài vào trong hang.
Nhưng cách giải thích trên không hợp logic, vì cửa hang nằm vát theo vách núi, lại ở sâu bên trong, nếu đưa quan tài xuống, quan tài sẽ treo lơ lửng bên ngoài, khó có thể tiếp cận để kéo vào phía trong hang. Một giả thuyết khác được đặt ra là nước sông Mã, sông Luồng dâng cao nên con người lợi dụng sức nước đưa quan tài gỗ vào trong hang. Cách giải thích này vẫn không hợp lý, vì hang Lũng Mu cao vút trên đỉnh núi thì giả thuyết chờ nước dâng cao lên rồi đưa quan tài vào trong hang là không thể có.
Câu trả lời được tạm thời chấp nhận là người xưa đã làm sẵn quan tài ở dưới đất, sau đó lần lượt đưa phần thân và phần nắp quan tài gỗ nặng nề lên cửa hang, thi thể người chết sẽ được mang lên cuối cùng. Khi tất cả đã được đưa lên hang, lúc này mới tiến hành cho thi thể người chết vào quan tài rồi đậy nắp, đưa vào trong hang. Người chết đã về nơi an nghỉ cuối cùng trong hang đá sẽ tránh xa cuộc sống phàm trần, ở đó họ không bị quấy rầy hay bị thú dữ đào xác, hang động cao chót vót trên đỉnh núi sẽ làm người chết mau siêu thoát về với cõi trời.
Như cách giải thích đơn giản của ông Phạm Hồng Sơn - Trưởng bản Khằm: “Có lẽ người xưa lấy gỗ trong rừng về, sau đó đục sẵn thành quan tài rồi mang lên hang để sẵn, khi nào có người qua đời chỉ việc mang thi thể lên hang rồi lấy quan tài lắp lại, bằng chứng là trong hang nhiều vỏ quan tài hoàn toàn trống rỗng, rất ít quan tài có chứa di cốt bên trong”.
Ngoài câu hỏi về cách người xưa đưa những cỗ quan tài nặng chịch lên hang đá cao, người ta còn tò mò không hiểu “những người được chôn cất trong hang đá là ai? Liệu họ có phải người bản địa không?”. Ông Hà Văn Tuyên -Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Quan Hóa. Trong câu chuyện, ông cho biết: “Hiện giờ vẫn chưa khẳng định được liệu đó có phải là người dân bản hay một tộc người đã sống ở đây rồi chuyển đi nơi khác”.
Có nhiều giả thuyết cho rằng nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược năm xưa chính là chủ nhân của những cỗ quan tài trên núi cao kia. Rất có thể trong một trận đánh, nghĩa quân đã bị giặc Minh bao vây, dồn từ sông Mã lên, đánh từ Hòa Bình xuống, tạo thành một gọng kìm tại chân núi hang Phi làm nghĩa quân hy sinh khá nhiều. Sau khi quân Minh rút lui, những người còn lại đã an táng đồng đội ngay trong hang trên núi cao để tránh quân Minh quay lại đào mộ trả thù. Cách giải thích này cũng khá hợp lý khi đem so sánh với những câu chuyện hiện đang lưu truyền ở địa phương.
Ông Tuyên cho biết thêm: “Trước kia, khi khu di tích Hồi Xuân được đưa vào xây dựng, khu nghĩa địa dưới chân núi hang Phi nằm trong diện buộc phải giải tỏa. Nhưng khi khai quật lên, có một điều khá bất ngờ là bên trong tất cả các ngôi mộ không có bất kỳ bộ hài cốt nào, chỉ thấy toàn than đen và tro. Theo phán đoán của các cơ quan chuyên môn, rất có thể đây là khu mộ giả của nghĩa quân Lam Sơn đã tử trận khi xưa nhằm đánh lừa giặc Minh”.