30 năm vì một nền nông nghiệp bền vững

  •  
  • 1.359

Được thành lập từ năm 1977, ba mươi năm qua, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có nhiều nghiên cứu đóng góp nâng cao năng suất, phẩm chất hạt gạo đồng bằng. Hiện nay, gần 70% diện tích gieo trồng Lúa ở ĐBSCL sử dụng các giống lúa của Viện. Những thành tựu nghiên cứu ấy gắn liền với tên tuổi của các nhà khoa học luôn tâm huyết vì sự phát triển ổn định, bền vững của nông nghiệp vùng châu thổ Cửu Long.

So với năm 1977, thời điểm thành lập Viện lúa ĐBSCL, hiện nay, sản lượng lúa của đồng bằng đã tăng lên hơn 3 lần. Theo GS TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, một trong ba tác nhân dẫn đến sự tăng vọt này là cuộc cách mạng xanh về giống. Trong cuộc cách mạng xanh ấy, Viện Lúa ĐBSCL đóng vai trò quan trọng khi 30 năm qua viện đã chọn tạo và được công nhận đưa vào sản xuất 90 giống lúa, trong đó, có 40 giống được công nhận chính thức. Nhiều giống lúa của Viện được sử dụng phổ biến như: OM 1490, OM 2517, Jasmine 85...

Hầu hết các giống lúa do viện chọn tạo đều có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 90 đến 100 ngày. Những giống lúa này giúp nông dân ĐBSCL có điều kiện thâm canh, tăng vụ, né tránh lũ, tăng năng suất và sản lượng. Theo điều tra của Trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng Trung ương, trên 33% tổng diện tích gieo trồng lúa của cả nước sử dụng giống lúa do Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo. Trong 10 giống lúa được trồng phổ biến trong toàn quốc, Viện Lúa ĐBSCL đã đóng góp 5 giống. Đặc biệt, khi rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hoành hành ở ĐBSCL, viện đã kịp thời chọn tạo và phóng thích những giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, như: OM 4498, OM 5930, OM 6073...

Nuôi cấy vi sinh vật tại phòng thí nghiệm bộ môn Bệnh cây.

Điều gì đã làm nên những thành tựu to lớn ấy? Đó chính là tấm lòng, tâm huyết với bà con nông dân ĐBSCL. PGS TS Nguyễn Thị Lang, Trưởng bộ môn Di truyền giống, tác giả của nhiều giống lúa ưu việt, tâm sự: “Trong nghiên cứu khoa học, chúng tôi đi đến tận đồng ruộng chứ không chỉ dừng lại trong phòng thí nghiệm. Phải đến với nông dân, phải ra tận ruộng để hướng dẫn, chứng minh cho bà con thấy giống nào có điểm ưu việt gì. Có như vậy, giống mới được triển khai nhanh. Đó cũng là điều kiện để mình lắng nghe ý kiến của bà con, biết được ưu điểm, nhược điểm của mỗi giống do mình làm ra để kịp thời điều chỉnh trong nghiên cứu”.

Khi đời sống kinh tế ngày càng phát triển, yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, khi hạt gạo Việt Nam bắt đầu “đi xa” trên thị trường thế giới, mục tiêu nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL cũng có những bước chuyển phù hợp. Theo PGS TS Phạm Văn Dư, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nâng cao phẩm chất hạt gạo là mục tiêu nghiên cứu hàng đầu của viện. PGS TS Nguyễn Thị Lang, Trưởng Bộ môn Di truyền giống, nói: “Chuẩn bị cho bước hội nhập WTO, từ năm 2000, bộ môn bắt đầu đưa vào chiến lược nghiên cứu nâng cao phẩm chất hạt gạo. Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực nghiên cứu giảm hàm lượng amylose xuống thấp để gạo dẻo, ngon cơm, không bị bạc bụng đồng thời có khả năng kháng sâu bệnh”.

Viện Lúa ĐBSCL cũng triển khai những nghiên cứu nâng cao “sức khỏe” hạt giống phục vụ cho sản xuất và cung ứng giống chất lượng cao. TS Lê Cẩm Loan, bộ môn Bệnh cây, cho biết: “Hạt giống bị nấm, vi khuẩn tấn công sẽ không nảy mầm hoặc tỷ lệ cây sống thấp. Qua những nghiên cứu, chúng tôi xác định một số biện pháp ưu việt trong xử lý hạt giống. Trong đó, biện pháp xử lý hạt giống bằng dung dịch nước muối 15% để loại trừ tạp chất trong hạt là biện pháp dễ thực hiện, ít tốn kém, không gây ô nhiễm môi trường”. Hiện nay, nhiều giống lúa chủ lực của ĐBSCL bị nhiễm bệnh đạo ôn. Bộ môn Bệnh cây đang nghiên cứu để cải tiến giống lúa kháng bệnh đạo ôn bằng kỹ thuật chồng gen kháng. Theo TS Lê Cẩm Loan, 2 gen chống bệnh đạo ôn: Pik-p và Piz-5, vẫn còn hiệu lực ở đa số tỉnh ĐBSCL. Các nhà khoa học sẽ dùng phương pháp lai truyền thống đưa 2 gen này vào các giống chủ lực của vùng như: OM 3536, OM 1490, Jasmine 85... nhằm tạo ra các giống kháng bệnh đạo ôn ổn định.

Sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch không chỉ là nhu cầu của thị trường mà còn mang tính nhân văn khi hướng đến mục tiêu vì sức khỏe của nông dân, của người tiêu dùng. Nông dân ĐBSCL thường sống dọc theo kênh rạch, nước dưới sông múc lên cứ lóng phèn rồi sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống. Các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu hóa học cứ thế từ trên đồng ruộng, xuống kênh, ra sông và đi vào cơ thể con người, tích tụ gây bệnh. Chính vì thế, những nghiên cứu phát triển và sử dụng các chế phẩm sinh học trong thâm canh cây trồng, phòng trừ dịch hại nhằm hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Hai chế phẩm sinh học của Viện Lúa ĐBSCL đang được sử dụng khá rộng rãi ở ĐBSCL là Biovip và Ometar. Qui trình sản xuất hai chế phẩm trừ sâu sinh học này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2002.

TS Nguyễn Thị Lộc, Trưởng Bộ môn Sinh thái côn trùng và Phòng trừ sinh học, cho biết: “Trong đợt diệt rầy nâu 2006-2007, viện đã cung cấp hàng chục tấn chế phẩm Ometar và Biovip cho các tỉnh thành ĐBSCL: Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long...”. Không dừng lại ở cây lúa, Bộ môn Sinh thái côn trùng và Phòng trừ sinh học đang tiếp tục nghiên cứu một số chế phẩm mới để trừ sâu hại rau, góp phần xây dựng, thực hiện qui trình sản xuất rau an toàn, rau sạch ở ĐBSCL. Đồng thời, nghiên cứu chọn tạo những dòng nấm tốt nhất nhằm tạo ra chế phẩm sinh học mới trừ rầy chổng cánh, rầy mềm trên cây có múi và rầy bông hại xoài. TS Nguyễn Thị Lộc nói: “Bộ môn đã thu thập, phân lập và tuyển chọn thành công một số dòng nấm mới, có hiệu lực cao đối với một số sâu hại rau như sâu tơ hại rau cải, rầy mềm hại khổ qua, dưa leo. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng mô hình rau an toàn ứng dụng chế phẩm này tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp”. Những nghiên cứu này góp phần giải bài toán mà Chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp là 80% diện tích phải sử dụng phân bón và thuốc sinh học, giai đoạn 2010-2015.

* * *

30 năm qua, các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL đã song hành với sự phát triển của nông nghiệp vùng châu thổ này bằng tất cả tâm huyết và trí tuệ của mình. Những giống lúa mới, những tiến bộ kỹ thuật được nghiên cứu thành công, được chuyển giao đến nông dân đã góp phần làm thay đổi đời sống của bà con. Việt Nam gia nhập vào WTO, những thách thức trên bước đường phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn không ít. PGS TS Phạm Văn Dư, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, khẳng định: “Phẩm chất hạt gạo là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của viện. Viện lúa ĐBSCL sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với các viện, trường trong nước hình thành những chương trình nghiên cứu lớn phục vụ cho phát triển nông nghiệp ĐBSCL”.

Bài, ảnh: SỸ HUIÊN

Theo Báo Cần Thơ
  • 1.359