4 "kho báu" khổng lồ của Leonardo Da Vinci: Lời giải sau 500 trăm năm

  •  
  • 6.230

Leonardo da Vinci được nhận định là một trong những thiên tài toàn năng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Sinh ra ở Toscana (miền Trung Italy), tên đầy đủ của Leonardo da Vinci là Leonardo di ser Piero da Vinci, có nghĩa là "Leonardo, con của Ser Piero, đến từ Vinci".

Sinh thời, Leonardo da Vinci là một người rất ham học hỏi, ông luôn đặt câu hỏi về mọi thứ xung quanh và cố gắng đi tìm câu trả lời cho những nghi vấn của mình. Không chỉ để lại cho hậu thế những tuyệt phẩm hội họa hấp dẫn trăm năm như "Mona Lisa", "Bữa tiệc ly cuối cùng"..., Leonardo da Vinci còn là một tài năng xuất chúng, luôn có những ý tưởng/phát minh vượt thời đại.

Để hiểu những nghiên cứu, cống hiến tuyệt vời của "thiên tài toàn năng", tập thể các nhà nghiên cứu nước ngoài đã có bài viết tựa đề "Four Ways Leonardo Da Vinci Was Well Ahead of His Time" (tạm dịch: Trí tuệ vượt thời đại của Leonardo Da Vinci).

Tài năng và những cống hiến của Leonardo da Vinci tựa như kho báu trong kho tàng kiến thức, nghệ thuật của nhân loại.
Tài năng và những cống hiến của Leonardo da Vinci tựa như kho báu trong kho tàng kiến thức, nghệ thuật của nhân loại. (Nguồn: Sciencealert).

Leonardo da Vinci là một trong những vĩ nhân thời Phục Hưng (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII) và là một trong những thiên tài toàn năng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Khi cả thế giới tưởng niệm 500 năm ngày mất của ông, điều quan trọng mà hậu thế cần phải biết đó là, Leonardo da Vinci không chỉ là một đại danh họa, một nhà điêu khắc vĩ đại hay một kỹ sư đại tài, ông còn là một trí tuệ lớn đi trước thời đại.

1. Ảo ảnh thị giác - "Cú lừa vĩ đại" trong nghệ thuật vẽ chân dung của Da Vinci

Leonardo da Vinci là một người đi tiên phong trong nghiên cứu về sinh lý học. Ông là người đưa ra khái niệm về "moti mentali" trong cuốn "Codex Urbinae" (viết từ năm 1452 đến 1519).

Moti mentali có thể được hiểu là trạng thái tinh thần, suy nghĩ và cảm xúc nhất thời của một người. Đối với Da Vinci, tài năng của nghệ sĩ vẽ chân dung thể hiện ở việc không chỉ phác họa chân dung hoàn hảo, còn phải "tạc" được cảm xúc bên trong, tâm hồn của mẫu vẽ hiện lên trong bức tranh.

Vì lẽ đó, Leonardo da Vinci đã tạo ra nét mặt "mơ hồ" trong mỗi bức chân dung của mình. Ông đã phát triển kỹ thuật "sfumato" (từ tiếng Ý có nghĩa là "tan biến như khói") cho mục đích này. Trong sfumato, sự chuyển đổi từ sáng sang tối, hoặc từ màu này sang màu khác được ông thực hiện vô cùng tinh tế để làm mềm hoặc che khuất các cạnh sắc nét.

Kỹ thuật vẽ tranh này tuy không phải do Da Vinci phát minh nhưng ông đã "biến tấu" và cho ra những tác phẩm độc nhất. Andrea del Verrocchio, thầy của Da Vinci, cũng phải công nhận rằng kỹ thuật sử dụng sfumato của Da Vinci khác hoàn toàn với tất cả các họa sĩ khác.

Đặc biệt, trong các bức chân dung mà ông vẽ, người ta không thể biết màu nào kết thúc, màu nào bắt đầu. Cách ông sử dụng màu tinh tế, tỉ mỉ, dày công đến mức kinh ngạc.

Trong họa phẩm "La Bella Principessa" (Công nương xinh đẹp), Trung tâm nghiên cứu và phục hồi bảo tàng Pháp và Cơ sở bức xạ Synchrotron châu Âu phối hợp nghiên cứu và chỉ ra rằng, Leonardo da Vinci đã sử dụng tới 30 lớp vecni để đạt được bóng mờ tinh tế quanh miệng của La Bella Principessa.

Đặc biệt, mỗi lớp này có độ dày chỉ bằng... một nửa sợi tóc người. Nghiên cứu cho ra kết quả tương tự trên khuôn miệng của nàng Mona Lisa trong bức họa cùng tên.

Bức họa "Mona Lisa" (vẽ từ năm 1503 đến năm 1506) của Da Vinci.
Bức họa "Mona Lisa" (vẽ từ năm 1503 đến năm 1506) của Da Vinci. (Nguồn: Internet).

Điều vượt trội của Leonardo da Vinci là kết hợp khoa học vào nghệ thuật để tạo ra ảo ảnh thị giác trong các bức vẽ của mình.

Đó là lý do vì sao, hậu thế đến nay vẫn còn "điên đầu" đi giải mã nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa. Bởi người ta vẫn còn nghi hoặc về cái cách nàng Mona Lisa có thực sự mỉm cười hay không: Khi nhìn sâu vào mắt nàng, ta như thấy nàng đang mỉm cười. Nhưng khi chuyển mắt xuống môi nàng, nụ cười ấy vụt tắt!

Cái cách ông "chơi đùa" thị giác và não người xem trước các bức họa của mình đã được ông thực hiện ở thời đại mà phải mất nhiều thế kỷ sau đó các nhà khoa học mới hiểu được cơ chế khoa học đằng sau nó.

2. Toán học - "Nếu không phải là nhà toán học thì chẳng ai có thể hiểu tôi"

Mặc dù nổi tiếng là đại danh họa với những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao nhưng Leonardo da Vinci luôn tự coi mình là một nhà khoa học hơn là một họa sĩ.

Toán học - đặc biệt là phối cảnh, đối xứng, tỷ lệ và hình học - có sức ảnh hưởng đáng kể đến các bức vẽ và tranh vẽ của ông, và ông chắc chắn là người đi trước thời đại trong việc sử dụng nó.

Leonardo da Vinci đã sử dụng các nguyên tắc toán học của phối cảnh tuyến tính - các đường song song, đường chân trời và một điểm biến mất - để tạo ra ảo ảnh về chiều sâu trên một bề mặt phẳng.

Bức họa "Bữa tiệc ly cuối cùng" của Da Vinci.
Bức họa "Bữa tiệc ly cuối cùng" của Da Vinci. (Nguồn: Internet).

Bức vẽ "Bữa tiệc ly cuối cùng" (còn gọi là "Bữa ăn tối cuối cùng") của ông là một ví dụ điển hình về việc sử dụng toán học trong nghệ thuật phối cảnh. Kiến trúc bên trong của tòa nhà nơi Chúa Jesus và 12 tông đồ thưởng thức bữa tối, cũng như các đường nét trên sàn nhà, tạo ra một "điểm biến mất", đem đến cho người xem cảm nhận về chiều sâu của căn phòng.

Trong Toán học tồn tại một số gọi là "Tỷ lệ Vàng - Golden Ratio". Tỷ lệ vàng lần đầu tiên được nhà toán học Luca Pacoli (1445-1517), bạn của Da Vinci, công nhận vào năm 1509, khi đó, ông cho rằng tỷ lệ vàng khiến cho các bức họa có tính thẩm mỹ và nghệ thuật cao hơn.

Riêng đối với Da Vinci, tỷ lệ vàng rất quan trọng trong việc cung cấp tỷ lệ chính xác cũng như củng cố cấu trúc cho bức họa Mona Lisa.

Đáng tiếc thay, tầm quan trọng của Toán học không được nhìn nhận đúng cách trong các tác phẩm sau này của Da Vinci vào thời đó và điều này khiến ông bị ám ảnh không nguôi.

Người ta nói rằng, trong khi vẽ "Mona Lisa", Da Vinci đã nói rằng: "Nếu không phải là nhà toán học thì chẳng ai hiểu tôi".

3. Kỹ thuật - Những phát minh vượt thời đại của "thiên tài toàn năng"

Nổi tiếng không kém các tác phẩm nghệ thuật, các bản vẽ giải phẫu, nghiên cứu về cấu trúc... của Leonardo da Vinci chính là những phát minh vượt thời đại của "thiên tài toàn năng".

Vào thời đại Phục Hưng của thế kỷ 15, 16, người ta lần đầu tiên biết đến các khái niệm tàu lượn, máy bay trực thăng, dù, bộ đồ lặn, vũ khí chiến tranh... của Da Vinci, và dĩ nhiên, không phải ai cũng hiểu ông muốn truyền tải điều gì, bởi hàng trăm năm sau, hậu thế mới bắt kịp với bộ óc thiên tài của ông.

Vậy tại sao bộ óc của Da Vinci vượt xa thời đại như thế? Câu trả lời đến từ sự ham hiểu biết kết hợp với các nguyên tắc khoa học và trí tưởng tượng vượt trước thời đại của ông. Như Einstein đã từng nói: "Logic chỉ đưa anh từ điểm A đến điểm B, còn trí tưởng tượng đưa anh đến khắp mọi nơi".

Da Vinci đã cho ra những bản phác thảo siêu hạng về đòn bẩy, bánh răng, ròng rọc, vòng bi và lò xo. Ngoài ra còn có các thiết kế về cây cung khổng lồ (27 mét), một khẩu súng có 33 nòng, đạn giống như "bom chùm" ngày nay, một "ốc vít trên không" (1486-1490) dự đoán ý tưởng về chiếc trực thăng, hay Ornithopters - những cỗ máy bay chạy bằng sức người.

Nguyên mẫu "xe tăng" từ cuối thế kỷ 15 hoặc 16 của Da Vinci.
Nguyên mẫu "xe tăng" từ cuối thế kỷ 15 hoặc 16 của Da Vinci. (Nguồn: Sciencealert).

Năm 1485, ông cho ra đời bản phác thảo của một chiếc "xe tăng" nguyên mẫu, có lớp giáp bọc thép và khả năng bắn theo mọi hướng.

Mặc dù "xe tăng" của Da Vinci khó lòng bước ra thực tế vì có lỗi trong thiết bị cũng như nặng đến mức không thể điều khiển được thì các phát minh của ông đi trước thời đại xa đến mức phải mất 4 thế kỷ sau, những ý tưởng về xe tăng mới trở nên thiết thực thông qua việc phát triển các vật liệu nhẹ và mạnh, như thép và nhôm, và các nguồn năng lượng mới dưới dạng động cơ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

4. Nước: "Quan trọng như dòng máu nóng của con người"

Leonardo da Vinci mô tả nước là "phương tiện của tự nhiên" (vetturale di natura), nước trong thế giới tự nhiên quan trọng như dòng máu nóng trong cơ thể con người.

Vì lẽ đó, từ những bức vẽ phong cảnh đầu tiên của Da Vinci về một dòng sông (1473), đến nàng Mona Lisa nổi tiếng (1503) hay bản phác thảo cuối cùng của ông (1517-1518)... đều có nước.

Bức vẽ phong cảnh Santa Maria della Neve của Da Vinci.
Bức vẽ phong cảnh Santa Maria della Neve của Da Vinci. (Nguồn: Sciencealert).

Tuy nhiên, Da Vinci không bị mê hoặc bởi nét nghệ thuật của nước, thứ ông muốn tìm hiểu chính là động lực học của nước: Các xoáy rối và xoáy ở bên trên và dưới mặt nước.

Là một thiên tài đa năng, ham học hỏi, Da Vinci có thể kết hợp tinh tế giữa kiến thức và khả năng của mình trong nghệ thuật, thiết kế, khoa học, triết học và kỹ thuật để tạo ra các ý tưởng, bản thảo và công cụ để kiểm tra các giả thuyết của mình. Ông được cho là nhà thủy văn học đầu tiên đưa ra các giả thuyết trên cơ sở bằng chứng thực nghiệm.

Trong các bản nghiên cứu khoa học tổng hợp mang tên "Codex Leicester" (1510) - Leonardo da Vinci đã đưa ra 730 kết luận về nước. Qua đó, Da Vinci đã có nhiều đóng góp cho khoa học và kỹ thuật nước hiện đại, bao gồm mô tả chính xác chu trình thủy văn, hiểu tác động của tốc độ dòng chảy đối với áp lực...

500 năm sau ngày Leonardo da Vinci qua đời, tài năng và những cống hiến của ông, tựa như kho báu trong kho tàng kiến thức, nghệ thuật của nhân loại, cho đến nay vẫn khiến hậu thế phải nghiêng mình kính phục!

Cập nhật: 16/11/2024 Theo Trí Thức Trẻ
  • 6.230