Trong một số trường hợp, đói là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn quá mệt mỏi hoặc chế độ dinh dưỡng quá khắt khe.
Không phải lúc nào cơn đói cũng xuất phát đơn thuần từ nhu cầu thể chất. Trên thực tế, cảm xúc, môi trường và những người xung quanh đều tác động đến dạ dày. Dưới đây là những vấn đề cơn đói có thể tiết lộ cho bạn, theo Prevention.
Sự nhàm chán, bồn chồn, mệt mỏi dễ gây ra cơn đói và biến thức ăn thành phương tiện trì hoãn công việc. Những lúc như vậy, bạn nên thử ra ngoài đi dạo hoặc cho phép bản thân chợp mắt 10-20 phút. Nếu sau vẫn cảm thấy đói, bạn có thể ăn nhẹ.
Quá thèm một món ăn nào đó mà không được đáp ứng sẽ kéo dài cơn đói của bạn. (Ảnh: Prevention).
Quá thèm một món ăn (ví dụ như kem) mà không được đáp ứng sẽ kéo tới cơn đói. Tốt nhất, bạn hãy cho phép bản thân thưởng thức món này. Chỉ cần lưu ý ăn chậm, nhai kỹ để cảm nhận hương thơm, kết cấu, mùi vị để tránh ăn quá nhiều, giảm cảm giác tội lỗi và tập trung hưởng thụ niềm vui.
Tâm trạng phấn khởi cũng khiến bạn đói bụng. Hãy liên tưởng đến khi bạn tham dự một bữa tiệc sinh nhật vui vẻ và sẵn sàng ăn đến miếng bánh cuối cùng.
Nếu đột ngột cảm thấy đói và nghĩ đến thức ăn mọi lúc mọi nơi, bạn cần thay đổi ngay thói quen ăn uống. Đói bụng và thèm ăn, đặc biệt là thèm carb, cho thấy cơ thể không được nạp đủ số nhiên liệu cần thiết.
Để cải thiện tình trạng này, bạn hãy bổ sung các loại carb lành mạnh từ hoa quả, rau củ, đậu và hạt (quinoa, gạo lứt) vào bữa ăn của mình.
Trải qua cuối tuần với những bữa sáng muộn và bữa tối nặng nề, bạn tỉnh dậy với chiếc bụng réo ầm và cảm thấy thèm rau củ. Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể đang tự điều chỉnh đúng cách. Thông thường, cơ thể biết chính xác điều nó muốn và điều bạn nên làm là lắng nghe thật cẩn thận.