Làm thế nào để giải quyết vấn đề khô hạn, sự bùng nổ dân số và nạn khan hiếm năng lượng? Các nhà khoa học quốc tế đã nghĩ đến 5 dự án sau đây.
Xây dựng một tòa nhà khổng lồ
Từ nay đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng 50%. Quả đất chúng ta làm sao có đủ chỗ để người dân chen chân?
Những người lãnh đạo tập đoàn Taisei (Nhật Bản) đã đưa ra một ý nghĩ rất độc đáo để giải quyết vấn đề này: Xây dựng một tòa nhà to bằng quả núi! Tòa nhà này cao 4 cây số. Đáy của tòa nhà có đường kính 6,5 km và thành phố đứng này có thể chứa 1,6 triệu người. Rất nhiều kỹ sư sẽ phải bứt tóc, vò tai trước khi tòa nhà được dựng lên trên hành tinh chúng ta.
Thu năng lượng mặt trời từ không gian
Làm sao tìm ra các nguồn năng lượng khác khi những mỏ dầu hỏa sẽ cạn kiệt? Chắc chắn phải tìm một phần lời giải đáp ở năng lượng mặt trời. Người ta có thể thu năng lượng này qua các trạm vũ trụ được trang bị những tấm panô mặt trời rất lớn. Những trạm ấy hoạt động bên trên các đám mây bao quanh trái đất nên thu được nhiều năng lượng mặt trời hơn các trạm xây dựng dưới trái đất. Thông qua một dây trời và dưới dạng sóng vi ba, trạm vũ trụ nói trên có thể chuyển năng lượng thu được hành tinh chúng ta. NASA (Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ) đã ấp ủ ý kiến này hơn 30 năm nay và các chuyên gia hàng không vũ trụ Nhật vừa nêu trở lại. Nhật dự định sẽ phóng một trạm vũ trụ thu năng lượng mặt trời trước năm 2040.
Làm mọc các cây cầu
Roelof Schuiling, nhà địa hóa học Hà Lan, đã đưa ra một kỹ thuật cho phép đá sinh trưởng như một cây xanh. Cho phun axit sunfuric vào các lỗ đào trong đất đá vôi, ông khẳng định có thể làm cho đá tăng dung lượng, căng phồng lên và tạo thành một cây cầu thực sự. Schuiling dự định kích thích dải đá vôi cho đến khi nó trồi lên mặt nước và làm thành một mặt đường mà xe cộ, tàu lửa có thể lăn bánh trên đó. Con đường này có thể được trang bị một loạt tuốc-bin chạy bằng nước và gió. Và như vậy, lại có thêm năng lượng để cung cấp cho cả một thành phố.
Múc nước trong không khí
Người ta gọi nước là vàng xanh. Quả thật đúng như vậy, tại một số nơi trên trái đất chúng ta, ở đó người ta đang thiếu nước trầm trọng. Ý tưởng lấy nước từ sương được hình thành. Ngay cả ở những nơi mà trời chẳng mưa bao giờ thì ở đấy, trong khí quyển vẫn có hơi nước. Các nhà khoa học gợi ý biến hơi nước ấy thành chất lỏng nhờ vào những cái tụ sương. Tổ chức sử dụng sương (Opur) đã đưa ra sáng kiến làm những tấm panô rộng bọc màng chất dẻo có đặc tính làm lạnh nhanh chóng. Vật liệu này có khả năng hạ nhiệt độ xuống dưới nhiệt độ mà các phân tử nước chuyển từ thể khí sang thể lỏng và như vậy, cho phép hơi nước đông lại thành những giọt nhỏ. Những thiết bị tương tự đã được thử nghiệm ở nhiều khu vực khô hạn từ Bangladesh sang Ethiopia, ngang qua Israel và sắp tới cũng sẽ được thử nghiệm ở Ấn Độ.
Làm cho sa mạc trở nên màu mỡ
Ông Gordon Sato hoàn toàn tin tưởng có thể biến sa mạc trở thành đất đai màu mỡ. Nhà sinh vật học người Mỹ này đã nhận biến đổi một vùng ở châu Phi bị hạn hán thành những đồng ruộng có thể trồng trọt được. Đó là bờ biển của Érythrée, trên Hồng Hải. Trong khuôn khổ dự án Manzanar, ông đã cho trồng khoảng một triệu cây đước, vẹt trong bảy năm. Và nhà khoa học này hy vọng có thể tạo ra một rừng sú vẹt thực sự. Hay nói cách khác, một vùng thực bì nằm giữa đất liền và biển mang lại nhiều lợi ích cho dân địa phương.
Kiến thức ngày nay