Bạn lo lắng rằng Google và các website tìm kiếm khác biết quá nhiều thông tin về mình, hay các nhân viên an ninh sẽ sử dụng dữ liệu trên các website này phục vụ cho quá trình điều tra của họ?
Mối đe doạ lớn nhất cho sự riêng tư của bạn không phải đến từ các cookie, spyware hay website theo dõi, phân tích thói quen lướt web của người dùng. Thay vào đó chính là các công cụ tìm kiếm, với khả năng thu thập, lưu trữ kết quả diễn ra hằng ngày. Các công cụ tìm kiếm này theo dõi thuật ngữ, website bạn ghé thăm theo kết quả trả về, đường dẫn tìm kiếm và địa chỉ IP. Chỉ như thế cũng đủ để phác hoạ được bạn là ai, bạn thích những gì và những gì không thích, bạn thường hay làm gì khi online.
Thông tin tìm kiếm có thể bị các nhân viên Nhà nước khai thác và sử dụng theo cách họ cho là hợp lý. Đôi khi chúng cũng được tình cờ phát tán ra cộng đồng chung, để cả thế giới được xem. Chẳng hạn như, hồi tháng 8 năm 2006, hãng America Online vô tình phát hành thông tin lịch sử danh sách tìm kiếm của 650 000 người dùng, và dữ liệu này nhanh chóng được phát tán ra Internet.
Nhưng có phải bạn luôn cần cung cấp thông tin riêng tư mỗi lần sử dụng cỗ máy tìm kiếm? Cũng không hẳn nếu biết cách. Áp dụng 7 mẹo sau, bạn có thể giữ sự riêng tư cho riêng mình mỗi lần lướt web.
Mẹo thứ nhất: Đừng đăng nhập vào các cỗ máy hay công cụ tìm kiếm
Nếu đăng nhập vào một cỗ máy tìm kiếm, bạn sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho họ xây dựng profile (tức hồ sơ cá nhân) nâng cao về mình, vì các công ty này biết thông tin nhân dạng của bạn khi tìm kiếm. Có thể bạn nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ đăng nhập vào bất kỳ cỗ máy tìm kiếm nào, nhưng thực tế nhiều khi bạn thực hiện điều đó mà vô tình không biết. Cái thời hãng tìm kiếm chỉ đơn thuần đưa ra công cụ tìm kiếm đã qua lâu rồi. Bây giờ, mỗi hãng tìm kiếm là một hệ thống tổng thể các dịch vụ và website. Như Google chẳng hạn, ngoài website tìm kiếm Google.com còn có hàng tá các dịch vụ khác, như Gmail, phần mềm office trực tuyến, dịch vụ blog, v.v…. Với các dịch vụ và website này, nếu muốn dùng, chắc chắn bạn phải đăng nhập với một tài khoản.
Để an toàn, đừng tìm kiếm khi đang đăng nhập bất kỳ dịch vụ nào khác của một hãng tìm kiếm, như thư điện tử chẳng hạn. Tức là khi đang đăng nhập vào tài khoản Gmail, đừng tìm kiếm trên Internet nếu muốn danh sách tìm kiếm và thông tin đăng nhập được đảm bảo riêng tư.
Nhưng cách trên nhiều khi rất bất tiện, vì thực tiễn bạn thường cần thực hiện hai công việc cùng một lúc. Có một giải pháp khác là sử dụng một trình duyệt (như Firefox) cho Gmail, và một trình duyệt khác, như Internet Explorer cho các hoạt động tìm kiếm trên Google. Với phương pháp này, các hãng tìm kiếm sẽ khó có thể kết nối nhân dạng với thông tin tìm kiếm. An toàn nhất là bạn nên sử dụng dịch vụ “ẩn danh” hoặc một phần mềm như Tor hỗ trợ tìm kiếm trong trình duyệt.
Nếu không muốn dùng cùng lúc hai trình duyệt, bạn có thể thử cách khác như tạo hai profile khác nhau trong trình duyệt, một dùng cho mail và các dịch vụ khác, còn một dùng cho các hoạt động tìm kiếm thực. Sẽ rất khó khăn cho các hãng tìm kiếm liên hệ được nhân dạng người dùng với thông tin tìm kiếm.
Firefox cho phép tạo một số profile riêng biệt, nhưng Internet Explorer thì không. Trong FireFox, tạo đa profile bằng Profile Manager: mở cửa sổ lệnh Command Prompt và trỏ đường dẫn tới thư mục cài FireFox. (Tuỳ thuộc vào từng phiên bản, nó có thể nằm trong: C:\Program Files\Mozilla FireFox). Gõ lệnh “firefox.exe -ProfileManager” và ấn Enter. Cửa sổ Profile Manager xuất hiện, kích chọn Create Profile và thực hiện theo hướng dẫn của Wizard để tạo profile. Tạo bao nhiêu profile là tuỳ ý bạn. Nên tạo nhiều profile một lúc để sử dụng cho các dịch vụ khác nhau như gửi nhận thư điện tử hay đọc tin, v.v...
Tạo profile với Profile Manager của FireFox
Mẹo thứ hai: Giữ mình an toàn trước Google
Giống như hầu hết tất cả mọi người, bạn có thói quen tìm kiếm trên một số công cụ nhất định, như Google. Nhưng như thế cũng có nghĩa là bạn tự đặt mình vào chỗ nguy hiểm vì Google sẽ có thông tin của tất cả các lần tìm kiếm của bạn. Cho dù không đăng nhập vào bất kỳ dịch vụ vào, Google vẫn có thể theo dõi quá trình tìm kiếm bằng cách sử dụng cookie theo từng phiên hoạt động của người dùng.
Tất nhiên bạn có thể xoá tất cả cookie trước khi vào Google. Nhưng các cookie nhiều khi rất hữu ích. Nó giúp bạn đăng nhập tự động một số trang giống nhau, hay ghi lại một số tham chiếu trên từng website bạn sử dụng.
Giải pháp đơn giản hơn là chỉ loại bỏ Google trong vị trí đặt cookie trên máy tính. Muốn thực hiện điều này trong nhiều phiên trình duyệt, hay cho tất cả các trình duyệt, lấy ví dụ ở Internet Explorer 7, bạn vào Tools > Internet Options, bấm chọn tab Privacy > Sites. Trong ô “Address of website”, gõ www.google.com và kích Block. Từ bây giờ, mỗi lần ghé thăm Google, website này sẽ không được phép đặt cookie lên ổ cứng của bạn, và tất nhiên không thể theo dõi được hoạt động tìm kiếm.
Loại bỏ đặt cookie của Google trên ổ cứng của bạn
Trong FireFox 2, chọn Tools > Options > Privacy tab > Exceptions > gõ www.google.com vào ô the “Address of Web site” và kích Block. Nếu sử dụng công cụ khác, bạn hoàn toàn có thể làm theo cách tương tự để loại bỏ hoạt động theo dõi của cookie.
Chú ý rằng, vì Google không thể đặt cookie trên ổ cứng, nên có thể bạn không dùng được một số dịch vụ khác của hãng này, như Gmail chẳng hạn. Trong FireFox, bạn có thể dùng chức năng mở rộng CustomizeFirefox. Nó sẽ giúp bạn ẩn danh khi sử dụng Google để tìm kiếm và không bị theo dõi.
Google có vô số các dịch vụ yêu cầu đăng nhập nếu muốn sử dụng, như bộ đọc RSS có tên Google Reader và Google Groups, cho phép đọc theo nhóm tin tức hay nhóm các chủ đề khác. Bạn càng đăng nhập vào nhiều dịch vụ, Google càng biết nhiều về bạn. Bên cạnh quá trình tìm kiếm, họ cũng sẽ biết blog nào, nhóm tin nào bạn hay đọc. Từ đó, chẳng có gì khó khăn cho gã khổng lồ này xây dựng hồ sơ cá nhân về bạn. Vì thế, tốt hơn hết bạn đừng đăng nhập vào các dịch vụ, hoặc tạo cho mình nhiều tài khoản Google riêng rẽ, để gã khổng lồ không thể thu thập được tất cả thông tin sở thích của bạn.
Bạn cũng nên suy nghĩ thận trọng trước khi sử dụng chức năng Search History (lược sử tìm kiếm) của Google. Search History cho phép bạn vào lại tất cả kết quả tìm kiếm đã thực hiện trước đó, và cũng hiển thị thông tin bạn tìm gì mỗi ngày. Khi dùng Search History, Google lưu trữ một bản ghi tất cả các tìm kiếm trên server của hãng. Nếu bạn đang lo lắng rằng Search History có thể bị lợi dụng cho các hãng quảng cáo, hoặc được nhân viên chính phủ hỏi đến thì có cách ngăn chặn đơn giản là đừng dùng nó.
Mẹo thứ 3: Thay đổi thường xuyên địa chỉ IP
Các hãng tìm kiếm có thể thu thập tất cả kết quả tìm kiếm bằng cách dò tìm địa chỉ IP bạn đang sử dụng. Sau đó họ sẽ liên kết tất cả các tìm kiếm thực hiện trên website lại với nhau. Có một cách đơn giản để tránh điều này là thay đổi thường xuyên địa chỉ IP của bạn.
Các hãng cung cấp băng thông rộng thường chỉ gán một địa chỉ IP động cho người dùng khi sử dụng Internet với thời hạn tương đối dài. Muốn có địa chỉ IP mới, hãy bật modem cáp hoặc tắt modem DSL trong một vài phút, sau đó bật trở lại. Địa chỉ IP cũ sẽ được xoá và thay thế vào đó là một địa chỉ IP mới.
Nếu chỉ có địa chỉ IP tĩnh, như tại nơi làm việc, bạn không thể sử dụng kỹ thuật này. Thay vào đó, hãy lướt web với một phần mềm ẩn danh như Tor.
Mẹo thứ 4: Sử dụng ixquick
Đây là cách dễ nhất để chắc chắn rằng thông tin trong các tìm kiếm của bạn không được dùng để xây dựng profile cá nhân: sử dụng công cụ tìm kiếm không lưu giữ lại thông tin đã tìm trước đó, như ixquick. Hãng tìm kiếm này nói rằng, công cụ của hãng sẽ xoá các tìm kiếm người dùng sử dụng trong vòng 48 giờ. Không cần phải lo lắng người khác nhòm ngó, cũng không phải sợ nhân viên an ninh sử dụng thông tin cho các cuộc điều tra của họ.
ixquick khẳng định rằng hãng sẽ xoá về các tìm
kiếm của bạn trong vòng 48 tiếng.
Mẹo thứ 5: Đừng đưa thông tin cá nhân vào các tìm kiếm
Thật khó cưỡng lại sức hút từ sự đơn giản mà phong phú tài nguyên của gã khổng lồ tìm kiếm Google. Bên cạnh đó, bạn cần tìm kiếm thông tin trên Internet hằng ngày, mà thay đổi thói quen sang hãng tìm kiếm không mấy phổ biến khác không phải là dễ dàng. Áp dụng các mẹo trên có thể đem lại cho bạn hiệu quả, nhưng xin nhớ thêm một điều là, đừng bao giờ đưa thông tin cá nhân vào trong các tìm kiếm. Như tên tuổi, địa chỉ, hay một thông tin nào đó tương tự sẽ giúp Google dễ dàng biết được bạn là ai và liên hệ chính xác đến những gì bạn tìm kiếm. Tệ hơn, bạn sẽ dẫn đường cho những tên trộm nhân dạng lúc nào cũng rình rập trên mạng khi tìm kiếm một số thông tin như mã số bảo mật xã hội (Social Security), mã số thẻ tín dụng ngân hàng. Một ai đó cũng có thể sẽ nắm giữ các bản ghi thông tin tìm kiếm của bạn. Hãy cố gắng đừng đụng tới thông tin cá nhân khi sử dụng các trang web tìm kiếm.
Mẹo thứ 6: Thực hiện các tìm kiếm nhạy cảm từ dịch vụ Internet công cộng
Nếu bắt buộc phải tìm kiếm thông tin cá nhân hoặc thông tin nhạy cảm khác, đừng thực hiện ở nhà hay nơi làm việc mà thay vào đó hãy tới các điểm truy cập Internet công cộng. Nhưng phải đăm rằng các điểm truy cập công cộng đó không yêu cầu bạn sử dụng thông tin đăng nhập. Nếu không, dữ liệu riêng tư của bạn sẽ bị xâm phạm.
Mẹo thứ 7: Tránh sử dụng công cụ tìm kiếm của hãng cung cấp dịch vụ Internet (ISP)
Hãng cung cấp dịch vụ Internet dĩ nhiên biết địa chỉ IP của bạn, tức là họ hoàn toàn có thể theo dõi tất cả website bạn sử dụng. Tệ hơn nữa, nếu dùng công cụ tìm kiếm của họ, sẽ quá đủ thông tin để các hãng này thu thập, liên hệ địa chỉ IP với các tìm kiếm và xây dựng profile cá nhân nâng cao, chi tiết hơn nhiều về bạn. Và dĩ nhiên, có không ít người thích thú với các profile đó. Vì vậy, đừng sử dụng công cụ tìm kiếm của bất kỳ ISP nào.