9 quy tắc nhất định phải làm theo để có một cuộc đời dễ dàng

  •   52
  • 3.867

Nghe đến quốc gia hạnh phúc nhất, hẳn ai cũng nghĩ đến Bhutan. Nhưng dành cho những ai chưa biết, các quốc gia tại Bắc Âu nhiều năm qua đã luôn nằm trong top đầu những nước hạnh phúc bậc nhất thế giới - theo bảng xếp hạng của Liên hợp quốc (UN). Thậm chí, top 1 trong 2 năm gần đây thuộc về Phần Lan, chứ không phải Bhutan như những gì chúng ta lầm tưởng.

"Hạnh phúc" ở đây được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố: sức khỏe, tài sản, sự thịnh vượng, độ hài lòng với cuộc sống thường ngày... Nhưng bí kíp nào giúp các quốc gia Bắc Âu có được cuộc sống khiến cả thế giới phải ghen tị đến như vậy?

Cũng chẳng có gì nhiều đâu. Họ hạnh phúc là bởi người dân tuân theo một số quy tắc nhất định, và chúng giúp cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

1. Luôn lên kế hoạch trước

Luôn lên kế hoạch trước

Có một điểm chung tại các quốc gia Bắc Âu, đó là họ luôn lên kế hoạch trước cho mọi việc. Người dân sẵn sàng lên lịch hẹn trước một thời gian rất lâu - thậm chí lên tới cả năm, và họ hoàn toàn thoải mái với điều đó.

Chẳng hạn, họ có thể đặt lịch hẹn thú y trước cả tháng, lịch hẹn với nha sĩ trong 6 tháng, đặt du lịch vào tháng 8 từ tháng 1, hoặc đặt tiệc ngay từ đầu tuần. Khoa học cũng đã công nhận việc lên kế hoạch và đặt lịch trước có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của mỗi người, đồng thời giảm bớt mức độ căng thẳng.

Để có thể quản lý thời gian cho thật tốt (theo cách của người Bắc Âu), hãy thử lên lịch theo chiều ngược lại. Nếu điểm cuối của cuộc hành trình là trở về nhà (11h đêm chẳng hạn), hãy đặt thời gian ngược lại kể từ lúc này, lên lịch cụ thể - bao gồm cả thời gian di chuyển. Ngoài ra, hãy chia các công việc lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, để dễ dàng hoàn thành chúng.

2. Sống một cuộc đời năng động

Sống một cuộc đời năng động

Cơ sở vật chất và điều kiện tự nhiên tại Bắc Âu giúp người dân không thể... lười được. Tất cả mọi người đều phải sống một cách hết sức năng động.

Với người Scandivania (địa danh chỉ các nước khu vực Bắc Âu), leo núi và đi bộ trở thành một phần của cuộc sống, từ trẻ con tới người già. Đây có thể cũng là lý do vì sao đa số dân Bắc Âu đều có sức khỏe tốt. Như tại Na-Uy, 77% dân số luôn cảm thấy sức khỏe của mình ở trạng thái hoàn hảo.

Thực ra, việc duy trì lối sống năng động không hề khó. Chẳng hạn khi nghe điện thoại, thay vì ngồi một chỗ, hãy đứng dậy và vừa đi vừa nói chuyện. Thói quen này không những tốt cho sức khỏe, mà còn giúp bạn tập trung hơn (do phải đứng, thay vì ngồi). Hay lúc đi xe bus, đừng vội vàng chiếm chỗ ngồi, mà hãy chọn đứng (trừ phi quá mệt mỏi).

Theo một nghiên cứu vào năm 1950, các chuyên gia khảo sát tình hình sức khỏe của tài xế xe bus - người chỉ ngồi cả ngày - và người soát vé (phải đi lại thường xuyên). Kết quả, rủi ro mắc bệnh tim của cánh tài xế cao hơn gấp 2 lần.

3. Mua đồ xuất xứ từ địa phương

Mua đồ xuất xứ từ địa phương

Người Bắc Âu khi mua sắm sẽ chuộng những sản phẩm đắt tiền, nhưng họ sẽ luôn chọn đồ sản xuất nội địa, vì tin tưởng vào chất lượng của chúng. Như tại Phần Lan, các đồ dùng của họ thường có một dấu hiệu đặc biệt: là hình lá cờ, cho thấy chúng sản xuất trong nước và đạt đủ tiêu chuẩn cần thiết.

Quy tắc này không chỉ áp dụng cho thực phẩm, mà còn liên quan đến quần áo, nội thất và đồ công nghệ. Người Phần Lan chuộng các sản phẩm từ thương hiệu Marimekko, trong khi người Thụy Điển chăm mua đồ IKEA.

4. Phân tách công việc và thư giãn, hết giờ làm việc là thôi

Phân tách công việc và thư giãn, hết giờ làm việc là thôi

Người Bắc Âu gần như không có khái niệm làm thêm giờ. Nếu một công ty yêu cầu làm từ 8h sáng đến 16h45 phút chiều, kèm thời gian ăn trưa kéo dài 45 phút, người Bắc Âu sẽ làm đúng như thế. Theo khảo sát, tại Na-Uy chỉ có khoảng 2,9% dân số làm thêm giờ mà thôi. Thời gian còn lại, họ dành cho gia đình, cho sở thích cá nhân, hoặc đơn giản chỉ là để nghỉ ngơi.

5. Chẳng bao giờ vội vã

Chẳng bao giờ vội vã

Trong xã hội hiện đại, việc tỏ ra từ tốn thực sự không dễ. Nhưng tại Bắc Âu, họ làm được điều đó.

Hãy quên cảnh tượng chen lấn lên xe bus khi tới Bắc Âu. Tại đây, bạn sẽ luôn thấy mình đứng xếp hàng một cách bình thản tại các trạm xe bus, bởi sự vội vã không được thể hiện ra ngoài. Bởi lẽ, sự vội vã, hối thúc sẽ ngăn bạn tận hưởng hương vị thực sự của cuộc sống.

Sự từ tốn này còn được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như ăn uống. Người Bắc Âu ăn uống khá chậm rãi, tập trung thưởng thức hương vị và chú trọng vào cảm xúc. Và dù có từ tốn đến đâu, họ vẫn nằm trong nhóm lao động hiệu quả nhất thế giới.

6. Ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng

Ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng

Người Bắc Âu có một chế độ ăn khá đặc trưng - lấy từ người Viking thời xưa: cá, quả dại, nấm, hạt và bánh mì. Tất cả đều là thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao mà rất lành mạnh, từ đó giúp họ duy trì mức cholesterol và huyết áp thấp.

7. Chăm... xông hơi

Chăm... xông hơi

Có một thực tế là người Bắc Âu cực kỳ thích xông hơi. Sau một thời gian phải đi bộ dưới tiết trời lạnh giá, người Bắc Âu thả mình vào buồng xông hơi - thứ cực kỳ phổ biến, thậm chí có mặt trong nhiều hộ gia đình.

Như tại Phần Lan, dân số của họ là 5,4 triệu người, thì cũng có đến 3,2 triệu phòng xông hơi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng xông hơi sẽ giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, hạ huyết áp và chống đau đầu, giúp bạn tư duy một cách thông suốt hơn.

8. Chú trọng bảo vệ môi trường

Chú trọng bảo vệ môi trường

Người Bắc Âu thực sự rất tôn trọng thiên nhiên. Họ luôn mang bên mình một chiếc túi để nhặt rác, dù là đi làm hay đang tập thể dục. Thói quen này được gọi là "Plogging" - kết hợp bởi 2 từ tiếng Thụy Điển: "Plocka" - nhặt nhạnh, và "jogging" - đi bộ nhanh/chạy chậm.

Theo thống kê từ ứng dụng Lifesum, việc đi bộ thông thường tiêu tốn khoảng 120 calorie/30 phút, trong khi kèm theo nhặt rác có thể lên tới 288 calorie lận.

Ngoài ra, người Bắc Âu cũng chăm an uống ở nhà, qua đó góp phần giảm được rác nhựa thải ra.

9. Tôn trọng không gian riêng

Tôn trọng không gian riêng

Người Phần Lan có một quy tắc bất thành văn, đó là nếu các băng ghế đôi trên xe bus đã có người ngồi trước, họ thường sẽ chọn đứng (dù chỉ có 1 người ngồi thôi). Tương tự với các băng ghế trong công viên.

Việc tự tách biệt thực chất không xấu. Nó giúp bạn thư giãn, để tâm trí được thoải mái, cải thiện sự tập trung, và qua đó thậm chí còn giúp mối quan hệ với những người xung quanh được cải thiện.

Dĩ nhiên, tách biệt không có nghĩa là phải xa lánh xã hội. Bạn có thể dành thời gian - khoảng nửa tiếng mỗi ngày - để đi bộ, suy ngẫm, dành thời gian cho bản thân. Trong thời gian này, hãy thử tắt điện thoại, ngắt kết nối với mạng xã hội, và xem tâm trạng của bạn có tốt hơn không.

Cập nhật: 18/05/2020 Theo Trí Thức Trẻ
  • 52
  • 3.867