Sông Hồng sắp hết... hồng

  •  
  • 1.751

Nước sông Hồng có nguy cơ không còn hồng nữa. Nghiên cứu trong nhiều năm qua chỉ ra hàm lượng phù sa đổ về dòng sông này ngày càng giảm, gây ra các thay đổi về môi trường khó lường trước.

>> Nước sông Hồng qua Yên Bái bị nhiễm chì độc hại
>> Thủ phạm làm sông Hồng "ốm"
>> Đi tìm nguyên nhân sông Hồng "biến sắc"

Mất phù sa

Ths Trịnh Xuân Hoàng, Viện Quy hoạch Thủy lợi Bộ NN&PTNT cho biết, sông Hồng vốn là một trong những con sông có lượng phù sa lớn. Tuy nhiên, lượng phù sa đã giảm rõ rệt sau khi các hồ chưa lớn trên thượng nguồn như Hòa Bình, Tuyên Quang được xây dựng.

Trong thời kỳ từ năm 1988 đến 2008, hàm lượng bùn cát trung bình nhiều năm tại Sơn Tây trên sông Hồng chỉ còn 45 triệu tấn/năm, tức là bằng 38% tổng lượng bùn cát trước khi có hồ chứa thượng nguồn. Tại Hà Nội trên sông Hồng, tổng lượng bùn cát lơ lửng trung bình nhiều năm chỉ còn 38 triệu tấn/năm, bằng 51% tổng lượng bùn cát trước khi có các hồ.

Các số liệu quan trắc, đo đạc cho thấy rõ việc xây dựng các hồ chứa lớn trên thượng nguồn là nguyên nhân chính giảm đáng kể hàm lượng bùn cát về hạ du”, Ths Hoàng cho biết. Nhưng hiện tượng giảm phù sa này chưa nhận biết được bằng mắt thường. “Chừng nào nhìn bằng mắt thấy nước sông trong hơn thì lúc đó thật đáng nguy hại cho sông Hồng”.

Phù sa trên sông Hồng ngày càng giảm
Phù sa trên sông Hồng ngày càng giảm. Ảnh: Việt Hưng.

Phải thiết kế lại các đập thủy điện

Theo TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng Thư ký Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, điều may mắn cho cư dân đồng bằng sông Hồng, đó là phù sa không đóng vai trò tiên quyết trong nông nghiệp như ở ĐBSCL.

Ở ĐBSCL, phù sa có chất lượng tốt. Nông dân cho nước phù sa tràn vào đồng sẽ đỡ được lượng phân bón đáng kể. Phù sa ở sông Hồng không nói lên điều gì về chất lượng nước. Cư dân ven sông cũng không dùng phù sa thay phân bón.

Tuy nhiên, cái hại là cá tôm đang sống trong môi trường nước đục nhiều năm, nay đổi thành nước trong, tất yếu sẽ có những biến đổi không lường trước. Ngoài ra, phù sa với các thành phần dinh dưỡng đặc thù nay mất đi, sẽ thay đổi hàng loạt mắt xích khác. Cân bằng sinh thái trên dòng sông sẽ bị phá vỡ.

TS Đào Trọng Tứ cảnh báo, nếu không có các giải pháp kịp thời ngay từ bây giờ, sông Hồng sẽ rơi vào tình trạng như sông Mekong hiện nay: Phù sa ít, cá tôm ít, đời sống ngư dân bị ảnh hưởng.

Điều này còn dẫn tới phá vỡ cân bằng sinh thái, đem lại những hậu quả khó lường trước về môi trường.

Theo các nhà khoa học, hiện nay các thủy điện đều có cửa xả đáy, nhưng cũng không thể xả hết được. Một lượng đáng kể phù sa vẫn bị chặn lại. Đến nay, chưa có biện pháp, công trình nào giúp trả lại phù sa cho sông Hồng và các con sông khác.

“Chỉ còn cách “vớt vát” phù sa cho sông Hồng bằng việc thiết kế lại cửa xả đáy của các công trình thủy điện”, Ths Hoàng nói.

Khó khăn ở chỗ các số liệu quan trắc phù sa sông ở Việt Nam còn thiếu và rời rạc. Bộ NN&PTNN chỉ có 6 trạm đo đạc trên biên giới, mỗi tháng chỉ thực hiện đo một lần. Do đó, rất thiếu các số liệu bài bản, liên tục về phù sa sông Hồng cũng như các dòng sông khác.

Theo Ths Hoàng, cần phải đánh giá toàn bộ tác động của các nhà máy thủy điện từ hạ lưu đến thượng lưu. Phạm vi nghiên cứu của chương trình phải rộng hơn mới xác định được tác động của các đập thủy điện này.

Ngoài ra, cần lắp đặt thêm các trạm đo tự động, đo liên tục phù sa sông và các chỉ tiêu khác về chất lượng nước sông. Căn cứ vào kết quả đo đạc, đánh giá, sẽ tìm được căn nguyên, từ đó có các biện pháp can thiệp về kỹ thuật, công trình.

Theo TPO
  • 1.751