AIS có giúp ngư dân tránh được bão?

  •  
  • 1.871

Gần đây, một số báo đưa tin, tàu Trung Quốc thoát nạn nhờ hệ thống tự động nhận dạng tàu AIS (Automatic Identification System). Nhưng đây lại không phải là thiết bị cho tàu đánh cá...

Khi cơn bão Chanchu bất ngờ đổi hướng đã gây thiệt hại cho các tàu đánh cá Việt Nam không kịp trở tay kêu cứu. Các tàu Trung Quốc đã thoát nạn họ được các Cơ quan an toàn hàng hải địa phương gửi thông báo về sức gió và hướng đi của bão qua hệ thống AIS.

Sơ đồ hoạt động của Hệ thống tự động nhận dạng AIS (Automatic Identification System)

Thông tin này được truyền tới các tàu Trung Quốc và nước ngoài ở trong vùng có nguy cơ bị bão đánh, đưa ra hướng dẫn cho các tàu bè đi trú ẩn. Vậy các tàu của Trung Quốc thoát nạn bão Chanchu là các loại tàu nào? Và, tại sao các tàu đánh cá của Việt Nam không sử dụng thiết bị đó? 

Một chuyên viên thuộc Công ty Thiết bị Điện tử chuyên dụng đóng ở Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, AIS không phải là thiết bị mới. AIS có cách đây khoảng 3-4 năm, nhưng ở Việt Nam, AIS chỉ dùng cho các tàu viễn dương và các tàu chở hàng lớn.

Còn ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Hàng hải, 46, Hàng Đậu, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, các ngư dân làm nghề cá rất nghèo. Thông thường, họ chỉ dùng các thiết bị thông dụng và vừa túi tiền như bộ đàm Galaxy, Wenden 4.800.

Các loại máy bộ đàm trên có thể thông tin được từ 170km – 180km, giá gần 3 triệu đồng/ bộ. Ngoài ra, khi các tàu đánh cá xa bờ thì hộ thường dùng thiết bị ICOM 718 hoặc STEM S.600 loại 100W với chiều dài liên lạc 1.000 – 1.500km. Giá của hai loại này là gần 9 triệu đồng/bộ. 

AIS là gì?

Hệ thống tự động nhận dạng AIS (Automatic Identification System) là một hệ thống thông tin liên lạc cho phép các tàu trao đổi các thông tin về nhận dạng vị trí, hướng, tốc độ với nhau hoặc trao đổi với các trạm trên bờ. Hệ thống này đã được xây dựng thành một tiêu chuẩn quốc tế cho ngành Hàng hải và bắt buộc yêu cầu sử dụng đối với một số loại tàu như các tàu viễn dương, tàu chở hàng lớn (từ 300 tấn trở lên), các loại tàu chở khách… Khi dùng hệ thống này, các tàu trong phạm vi liên lạc được với nhau sẽ trao đổi các thông tin về nhận dạng tàu, hướng và tốc độ .. để tránh xảy ra va chạm giữa các tàu. Ngoài ra, các tàu còn có thể trao đổi các thông tin cần thiết khác như trợ giúp khi có sự cố, thông tin thời tiết … Hệ thống AIS gồm khối thu phát vô tuyến ( là một bộ phát VHF, hai bộ thu VHF) và bộ phận điều khiển và hiển thị. Ngoài ra mỗi trạm trên tàu có thế giao tiếp với các thiết bị khác như hệ thống cảm biến trên tàu, các giao diện đầu ra như ECDIS, ARPA, VDR hoặc đầu cuối thông tin vệ tinh Inmarsat. Ngoài ra, khi kết hợp AIS với một thiết bị thống thông tin liên lạc khác, nó còn ứng dụng trong các trường hợp khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn trên biển...

Khi được hỏi về hệ thống tự động nhận dạng tàu AIS, ông Toàn cho biết Trung Quốc chỉ dùng thiết bị này cho các tàu hàng thôi, không dùng cho các tàu đánh cá. Ở Việt Nam, các tàu hàng đi nước ngoài cũng dùng loại thiết bị này.

AIS không phải là hệ thống tránh bão. Đây chỉ là hệ thống báo động tránh va khi có một tàu sắp đến gần tàu khác, hay có một chướng ngại vật trong vùng kiểm soát bán kính của tàu. Khi đó, thiết bị này sẽ phát huy tác dụng bằng cách phát đi tín hiệu thông báo để tránh va.

Giá của thiết bị này tương đối đắt. Có loại AIS do Hàn Quốc sản xuất, giá khoảng gần 50 triệu đồng. Còn loại của Nhật Bản có giá khoảng hơn 60 triệu đồng. Do các thiết bị này đắt tiền nên ngư dân khó có thể trang bị cho tàu đánh cá của mình.

Hiện nay, có một loại thiết bị thông tin hàng hải có tên là Lavpex có thể hữu ích cho ngư dân. Giá thiết bị này khoảng 14 – 15 triệu đồng. Thiết bị này có thể thu nhận được thông tin toàn cầu tình trạng thời tiết nguy hiểm ở những nơi tàu đi đến.Khi tàu đi vào khu vực nào thì nó tự động thu nhận thông tin của trạm khu vực. Nhưng có điều bất tiện là thiết bị này sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh mà phần lớn ngư dân VN lại không rành tiếng Anh.

Ngoài ra, có một loại đạn pháo khói màu da cam báo tín hiệu khi tàu bị nạn cũng chỉ dùng cho các tàu hàng hải, không dùng cho tàu cá.

Trong khi đó, theo ông Phạm Ngọc Quang, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (Bộ Thuỷ sản) cho biết, vừa rồi, các tàu đánh cá của ngư dân VN đã dùng hệ thống thông tin liên lạc ICOM.

Đa phần cá tàu thuyền đánh cá xa bờ đều phải lắp thiết bị liên lạc ICOM này.

So với các thiết bị khác, ICOM là một thiết bị tương đối hiện đại có phát vô tuyến và tầm nhận tín hiệu xa hơn. Đồng thời, thiết bị ICOM nhạy cảm và hiệu quả hơn.

Ông Quang nói, ngư dân nên có các thiết bị hiện đại hơn như thiết bị định vị toàn cầu GPS. Thế nhưng, các thiết bị này rất đắt tiền và ngư dân khó có khả năng mua được.

Vẫn theo ông Quang, theo các qui định hiện hành, các tàu cá đánh cá xa bờ phải trang bị các trang thiết bị như phao cứu sinh như phao bè, phao tròn, phao áo và các trang bị chống thủng, chống cháy an toàn về hành trình như các loại đèn của thuyền theo quy chuẩn của ngành hàng hải. 

Tàu Hải quân VN vẫn tiếp tục cùng các phương tiện cứu hộ, cứu nạn của TQ, Đài Loan tìm kiếm các ngư dân bị mất tích. Ảnh: HC/VNN.

Tàu đóng xong phải có đầy đủ trang thiết bị đáp ứng được các yêu cầu an toàn về kỹ thuật và an toàn về tính mạng con người theo từng loại tàu thì mới được đăng ký đăng kiểm, cấp giấy an toàn kỹ thuật đi biển và cấp biển số tàu.

Vậy các tàu cá của Việt nam ra khơi trong cơn bão Chanchu vừa rồi có đầy đủ cá trang thiết bị đó không? Đây cũng là câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý...

Thêm vào đó, một câu hỏi khác cũng cần được đặt ra, các tàu của Trung quốc thoát nạn trong điều kiện nào... Trong khi đó, như ta đã biết, AIS không phải là hệ thống thiết bị phù hợp cho tàu đánh cá. Vậy, tàu thoát nạn của Trung Quốc là loại tàu nào? và tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc thoát nạn do đâu?

Ngọc Huyền

Theo VietNamNet
  • 1.871